5 phút alô cho lãnh đạo một lần để giám sát vốn?

Thứ tư, ngày 17/11/2010 19:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 5.000 tỷ đồng đã được phân bổ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2011. Đây là con số được Quốc hội thông qua ngày 15-11. Vấn đề đặt ra là giám sát nguồn vốn này như thế nào để có hiệu quả?
Bình luận 0

Cần bớt các ưu đãi

Tập đoàn Dầu khí quốc gia- PVN, đơn vị có tên trong danh sách các tập đoàn được giám sát trong năm 2011, được phân bổ số tiền lớn nhất: 3.500 tỷ đồng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được phân bổ 1.324 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phân bổ 215 tỷ đồng…

img
Năm 2011, ngành đường sắt được phân bổ hơn 1.300 tỷ đồng. Ảnh chụp tu sửa đường sắt trong đợt lũ vừa qua tại Quảng Bình.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tư vấn chính sách thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia cho rằng: Với các doanh nghiệp nhà nước, việc tìm ra mô hình giám sát tốt, hiệu quả đang là vấn đề trăn trở các nhà quản lý lẫn giới chuyên gia nghiên cứu chính sách.

Theo Tiến sĩ Đức Thành, đối với doanh nghiệp nhà nước đặc biệt trong cơ chế hiện nay cái khó là bản thân người chủ sở hữu không hiện hữu như các cá thể mà là một thể chế, một bộ máy.

Bởi thế động lực giám sát quyền lợi gắn liền với sở hữu đã bị tách ngay từ khâu phân công giám sát người quản lý. Trong thực tế đang tồn tại việc chủ thể giám sát đồng thời là đối tượng giám sát nên việc giám sát chỉ là hình thức.

Đây là bất cập lớn nhất trong các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước lớn mà Vinashin là một điển hình. "Trong ngắn hạn chúng ta phải thay đổi mà trước tiên các doanh nghiệp nhà nước cần phải khoanh vùng hoạt động, bớt đi những ưu đãi gần như không điều kiện như trước kia"- ông Thành nói.

Thường xuyên có kiểm toán độc lập

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng: Còn rất nhiều hạn chế khiến việc giám sát khó đạt hiệu quả.

img Bài học từ Vinashin cho thấy chúng ta cần phải kiểm toán thường xuyên, hàng quý để đảm bảo tính trung thực ngay từ đầu. Không nên để tái diễn tình trạng khi nghi ngờ sai phạm mới tiến hành kiểm toán. Để “trễ” rồi mới “phanh” thì không còn kịp nữa. img

Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc giám sát nguồn vốn đầu tư trong các tập đoàn, tổng công ty đó là việc giám sát nội bộ buông lỏng, không hiệu quả và chỉ trông chờ vào giám sát từ bên ngoài, trong khi giám sát từ bên ngoài lại thiếu thông tin.

Một kết quả khảo sát của Viện vừa được công bố cho biết trên 60% tổng giám đốc vừa là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc hội đồng tư vấn, tức người đứng đầu bộ máy quản lý cũng chính là người đứng đầu bộ máy điều hành”.

“Muốn giám sát hiệu quả thì tốt nhất chỉ có cách cứ 5 phút nhấc điện thoại hỏi tổng giám đốc doanh nghiệp một lần” - ông Thành nói một cách hài hước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Vốn của các doanh nghiệp nhà nước phải cần được giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn thông qua kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước.

Theo bà Lan, những khảo sát độc lập đã chỉ ra những bất ổn, lỏng lẻo trong việc giám sát hoạt động, sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty chẳng hạn như việc không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật trong việc báo cáo tài chính, chi tiêu, đầu tư sử dụng đồng vốn nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem