5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023

Thứ bảy, ngày 28/01/2023 12:45 PM (GMT+7)
Lĩnh vực viễn thông là một thị trường trị giá 1,5 nghìn tỉ USD, đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận 0

Nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là sự xuất hiện và áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ sinh học và các nền tảng phân tích nâng cao. Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số này, ngành viễn thông là một thị trường trị giá 1,5 nghìn tỉ USD đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu (Acuvate.com, 2022).

Là một chuyên gia công nghệ với gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông, tác giả luôn theo dõi xu hướng trong lĩnh vực thay đổi nhanh chóng này để tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp. Dưới đây là năm xu hướng công nghệ chủ đạo mà tác giả dự báo trong năm 2023.

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 1.

Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển đã triển khai và sử dụng thành công 5G trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng không ngoại lệ ở Việt Nam khi trong năm 2020 các nhà mạng đã bắt đầu sản xuất được các thiết bị hạ tầng, làm chủ được công nghệ 5G, đã triển khai 5G ở một số khu vực và đạt được những kết quả khả quan (FPT Digital, 2022).

Việc triển khai 5G sẽ có tác động lớn đến ngành viễn thông. Tốc độ cao hơn và độ trễ thấp hơn của 5G sẽ cho phép các dịch vụ và ứng dụng mới không thể thực hiện được trước đây. Điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông.

5G cũng sẽ có tác động lớn đến cơ sở hạ tầng mạng. Cơ sở hạ tầng 4G hiện tại không được thiết kế cho tốc độ cao và độ trễ thấp như 5G. Để triển khai 5G, các nhà khai thác viễn thông sẽ cần nâng cấp mạng của họ để hỗ trợ công nghệ mới. Việc nâng cấp này sẽ tốn kém, nhưng đó là điều cần thiết để có lợi thế cạnh tranh trước đối thủ.

Theo nhiều cách, công nghệ truyền thông 5G thúc đẩy công nghệ truyền thông đáp ứng nhu cầu thay đổi, chẳng hạn như:

- Tăng tỷ lệ thông lượng dữ liệu (Tốc độ dữ liệu nhanh hơn 4G gấp 100 lần, truy cập tức thì đến các dịch vụ và ứng dụng với tốc độ tải xuống lên đến 20GB/s.

- Độ trễ giảm (Độ trễ của mạng sẽ được giảm xuống 1 mili giây so với 200 mili giây hiện tại trong 4G).

- Các biện pháp cắt giảm chi phí

- Bảo tồn năng lượng

- Dung lượng hệ thống đã được tăng lên (Mở rộng khối lượng dữ liệu truy cập lên gấp 1.000)

- Kết nối thiết bị đồng thời lớn.

5G là một công nghệ tiên tiến hứa hẹn những lợi ích đáng kể cho các nhà khai thác viễn thông cũng như khách hàng. Tuy nhiên, mạng 5G cũng rất phức tạp và việc xây dựng và triển khai đặt ra một số thách thức.

Một trong những thách thức quan trọng nhất là nhu cầu triển khai một mạng lưới dày đặc các trạm phát sóng. Điều này gây ra rất nhiều căng thẳng cho việc thi công và lắp đặt thiết bị, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ gián đoạn dịch vụ.

Một thách thức khác là các nhà cung cấp viễn thông cần giữ chi phí vận hành và bảo trì thấp. Mạng 5G yêu cầu cập nhật và giám sát thường xuyên hơn so với các thế hệ công nghệ không dây trước đây, điều này làm tăng chi phí.

Cuối cùng, mạng 5G phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về độ trễ và bảo mật. Điều này đặc biệt khó khăn do mối đe dọa ngày càng tăng từ các cuộc tấn công mạng. Bất chấp những thách thức này, 5G là cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông. Việc lập kế hoạch và thực hiện là cần thiết để thành công (ATEC, 2022; FPT Digital, 2022).

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 2.

IoT sẽ tăng mức tăng trưởng hơn 25% cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong giai đoạn 2021-2028 theo Fortune Business Insights. Theo GSMA, IoT sẽ tạo ra doanh thu ước tính 1,8 nghìn tỉ USD cho các nhà khai thác mạng di động vào năm 2026 (GSMA, 2017). Các công ty viễn thông có thể tận dụng những cơ hội từ công nghệ này và phát triển các ứng dụng sáng tạo, nhằm tạo ra dòng doanh thu mới.

IoT giúp kết nối tất cả các thiết bị như các đồ dùng trong nhà hay các hệ thống máy móc trong nhà máy với nhau thông qua mạng không dây (Wi-Fi) hoặc mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G), … Các thiết bị được kết nối trong hệ thống có khả năng liên lạc, hiểu nhau cũng như có thể đưa ra phản ứng kịp thời và đồng bộ nhất (FPT Digital, 2022).

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của ngành viễn thông để đáp ứng được những nhu cầu khắt khe của doanh nghiệp và khách hàng chính là phân tích dữ liệu lớn. Bằng cách tận dụng các giải pháp IoT, các công ty viễn thông có thể đồng bộ và thu thập được khối lượng dữ liệu quan trọng cho doanh nghiệp.

Áp dụng quy trình phân tích Dữ liệu lớn vào thông tin thu thập được từ các cảm biến IoT, các nhà viễn thông có thể có được những hiểu biết có giá trị về hành vi và cách sử dụng của khách hàng. Từ đó, xây dựng các mô hình dự đoán tương lai nhằm đưa ra những gói dịch vụ phù hợp, cải thiện mức độ tương tác và trải nghiệm của khách hàng (Startup.info, 2022).

Tuy nhiên, những lợi ích mang lại những rủi ro nổi bật với số lượng thiết bị ngày càng tăng. Sự tăng trưởng về số lượng thiết bị được kết nối trong hệ sinh thái IoT có thể gây ra các vấn đề về bảo mật trong IoT bằng cách cung cấp nhiều điểm xâm nhập hơn cho tội phạm mạng và tin tặc (101 Blockchain, 2021).

Một số vấn đề bảo mật như Mật khẩu bảo vệ không đầy đủ; Tuân thủ hạn chế từ các nhà sản xuất IoT; Quản lý cập nhật thiết bị và Thiếu giao diện an toàn. Bên cạnh đó, một số vấn đề về Quyền riêng tư có thể kể đến như: Sự phong phú của dữ liệu; Nghe trộm và Tiếp xúc công cộng không mong muốn cũng cần phải được xem xét.

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 3.

Lĩnh vực viễn thông có thể tận dụng Thực tế tăng cường (AR) trong hệ thống của mình để xây dựng các giải pháp kinh doanh tốt hơn. Hơn nữa, các công nghệ nhập vai như Thực tế tăng cường (AR) và Thực tế ảo (VR) có khả năng tăng tốc và đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh. Ví dụ, quản lý dịch vụ hiện trường và đào tạo nhân viên. Ngoài ra, các công nghệ nhập vai cung cấp phương tiện tương tác và rảnh tay cho các nhà lãnh đạo và nhân viên doanh nghiệp để tương tác với các hệ thống doanh nghiệp (Atrebo, 2022).

Với sức mạnh và tiềm năng của VR và AR, công nghệ này có thể giúp ngành viễn thông:

- Quản lý dịch vụ hiện trường nâng cao

- Thực hiện hỗ trợ từ xa

- Trích xuất thông tin thiết bị

- Bảo trì tốt hơn

- Tạo bản ghi để sử dụng về sau

Hiện tại, vấn đề chính nảy sinh trong các doanh nghiệp dựa trên viễn thông là thiếu sự tương tác giữa với các đối tác theo thời gian thực. Ngoài ra, việc duy trì các quy trình và dữ liệu của mạng và thiết bị trong lĩnh vực này cần có kỹ năng cứng và thành thạo tuyệt vời. Do đó, cần phải có công nghệ tốt hơn để giúp các chuyên gia thực hiện công việc một cách hiệu quả.

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 4.

Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông không còn chỉ cung cấp các dịch vụ điện thoại cơ bản, dịch vụ internet, hỗ trợ di động và dịch vụ mạng, mà đang thúc đẩy tăng trưởng bằng cách sử dụng AI. Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông đang bổ sung các khả năng của AI nhờ khối lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data) khai thác dữ liệu từ mọi nơi: thiết bị di động, mạng lưới, vị trí địa lý, hồ sơ và hành vi khách hàng, dịch vụ và sử dụng dịch vụ, dữ liệu bán hàng, thanh toán, hợp đồng, v.v. (Gordon, 2022).

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 5.

Giá trị của việc sử dụng AI trong các công ty Viễn thông giúp thấu hiểu khách hàng, cung cấp trải nghiệm khách hàng tốt hơn, cải thiện hoạt động và tăng doanh thu, cung cấp thêm nguồn doanh thu mới bên cạnh các nguồn doanh thu truyền thống như thoại, SMS đang suy giảm qua từng năm.

Tối ưu hóa mạng

Theo IDC, 63,5% đang tích cực triển khai AI để cải thiện cơ sở hạ tầng mạng của mình. Dùng AI để tối ưu hóa nhà khai thác dịch vụ viễn thông mạng, đặc biệt là trong các lĩnh vực An ninh mạng, cho phép nhà khai thác dịch vụ viễn thông dễ dàng tối ưu hóa và điều hướng lưu lượng truy cập trên mạng của họ. Khả năng dự đoán các điểm bất thường, các hành vi bất thường trong mạng và cho phép các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông giải quyết các vấn đề trước khi vấn đề xảy ra hoặc tự động định tuyến lại lưu lượng truy cập bằng hệ thống giám sát AI.

Dự đoán và bảo trì

Các ứng dụng AI trong bảo trì dự đoán không phải là một lĩnh vực mới nhưng khả năng dự đoán tương lai dựa trên dữ liệu lịch sử và khả năng giám sát việc sử dụng thiết bị cũng như dự đoán các điểm hỏng hóc là một khoản đầu tư rất hiệu quả về chi phí cho các giải pháp AI.

Cơ hội giám sát các hệ thống phần cứng liên lạc phức tạp mang lại nhiều cơ hội hơn để cải thiện dịch vụ khách hàng và giảm chi phí vận hành. AT&T sử dụng AI để hỗ trợ các quy trình bảo trì và đã thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để mở rộng phạm vi phủ sóng của mạng trong các thảm họa thiên nhiên, phân tích dữ liệu video của các trạm phát sóng nhằm đánh giá thiệt hại và xác định chính xác các khu vực cần ưu tiên dịch vụ, cải thiện việc phân bổ nguồn lực.

5 xu hướng công nghệ chủ đạo ngành Viễn thông năm 2023 - Ảnh 6.

Các công nghệ phát trực tuyến (streaming) đã bắt đầu xâm chiếm không gian kỹ thuật số, đó là lý do tại sao các nhà khai thác viễn thông đang phải vật lộn với việc giảm dòng doanh thu và cần đột phá để tăng sự cạnh tranh với những công ty như Netflix, Amazon, Apple.

Giờ đây, mọi doanh nghiệp đều có các giải pháp kết nối phụ, các doanh nghiệp viễn thông cần phát triển vượt ra ngoài các dịch vụ kết nối mạng và cung cấp các giải pháp bền vững, các giải pháp đặc biệt cho người dùng của họ. Điện toán đám mây có thể đáp ứng nhu cầu trên và đang trở nên phổ biến rộng rãi trong nửa thập kỷ qua. Tác động của điện toán đám mây trong ngành viễn thông là không giới hạn và mạnh mẽ (Raju, 2022).

Giảm chi phí

Điện toán đám mây giúp ngành viễn thông cung cấp phần mềm với tốc độ nhanh hơn với sự trợ giúp của ảo hóa phần mềm trên các máy chủ từ xa. Điều này cho phép dễ dàng phân bổ tài nguyên máy tính theo yêu cầu và do đó cũng giúp giảm chi phí phần cứng.

Cải thiện trung tâm dữ liệu viễn thông

Việc cộng tác với các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ có lợi hơn vì nó dẫn đến các trung tâm dữ liệu nâng cao và sử dụng máy chủ hoàn chỉnh. Một tác động tích cực khác của điện toán đám mây đối với ngành viễn thông là áp dụng các phương pháp di chuyển dữ liệu lên đám mây với chi phí rất thấp. Nếu bạn không hài lòng với các dịch vụ đám mây được cung cấp, bạn có thể dễ dàng chuyển sang giải pháp đám mây viễn thông mới bằng cách chấm dứt liên hệ trước đó, ký một liên hệ mới và chuyển dữ liệu người dùng của bạn sang máy chủ mới.

Dữ liệu kinh doanh được bảo mật

Điện toán đám mây cung cấp khả năng sao lưu dữ liệu rộng rãi và bảo vệ dữ liệu khách hàng trên nhiều máy chủ đám mây. Việc sao lưu này có thể được thực hiện đồng thời tại nhiều máy chủ khác nhau để nếu một máy chủ bị lỗi, dữ liệu có thể được cung cấp trên các máy chủ khác. Đây là cách các doanh nghiệp viễn thông lớn như Vodafone, Airtel và Jio thực hiện các dịch vụ dữ liệu được kết nối của họ mà không bị gián đoạn. Các đám mây, khi được hợp nhất với các công cụ và công nghệ BI hiện đại, có thể dự đoán sự cố của máy chủ để chuẩn bị sao lưu hoặc khắc phục thảm họa.

Linh hoạt trong phân bổ nguồn lực

Tính năng linh hoạt và khả năng mở rộng này cho phép đáp ứng tải cao nhất và nhu cầu biến thể theo mùa dựa trên yêu cầu. Mở rộng quy mô tài nguyên khi nhu cầu cao mà không có bất kỳ thời gian chết nào.

Tóm lại, công nghệ đang phát triển quá nhanh buộc các nhà khai thác hạ tầng viễn thông phải tối ưu hóa hoạt động và tự động hóa các hoạt động của họ bằng cách sử dụng AI, ML, VR, AR, điện toán đám mây và các công nghệ mới nổi khác. Các xu hướng trên sẽ mang lại cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số, bảo mật dữ liệu tốt hơn, chất lượng dịch vụ (QoS) được cải thiện và cơ hội doanh thu mới cho nhà khai thác hạ tầng viễn thông. Và việc áp dụng những xu hướng này là điều bắt buộc để duy trì tính cạnh tranh và vượt qua những thách thức trong tương lai.

Hơn nữa, theo nghiên cứu, thị trường dịch vụ viễn thông toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,4%, đạt 2.467,01 tỷ USD vào năm 2028. Chính vì vậy, nhà khai thác hạ tầng viễn thông sẽ cần nhìn xa hơn khả năng kết nối, các dịch vụ truyền thống đang suy giảm, các vấn đề phức tạp và tìm kiếm các cơ hội phát triển mới để cung cấp các giải pháp đột phá.

Tài liệu tham khảo:

101 Blockchain (2021) Security & Privacy Issues in the Internet of Things (IoT) . Available at: https://101blockchains.com/security-and-privacy-in-iot/

Acuvate.com (2022) “Digital Transformation Use Cases in the Telecom Industry.”

ATEC (2022) Major Challenges of Implementing 5G & Possible Solutions. Available at: https://atecwireless.com/challenges-of-implementing-5g/

Atrebo (2022) Five trends in telecom for 2023. Available at: https://www.atrebo.com/en/five-trends-in-telecom-for-2023/.

FPT Digital (2022) Xu hướng chuyển đổi số trong ngành viễn thông.

Gordon, C. (2022) Advancing AI In Telecommunications: Where Are You In Your Modernization Strategy?, Forbes.

GSMA (2017) GSMA | GSMA Highlights US$1.8 Trillion IoT Revenue Opportunity for Mobile Network Operators - Newsroom.

Raju, K.S. (2022) Benefits of Cloud Computing in the Telecom Industry.

Simonova, M. (2022) Top Nine Ethical Issues In Artificial Intelligence, Forbes.

Startup.info (2022) Digital Transformation in the Telecommunications Industry.

Đào Trung Thành (Theo viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem