Giá trị sản xuất đạt 65 triệu đồng/ha
Kết quả báo cáo của Bộ NNPTNT cho biết, trong hơn 5 năm qua giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của vùng ĐBSH ước đạt 34.000 tỷ đồng (tính theo giá cố định năm 1994), tăng 19% so với năm 2005, trong đó các tỉnh phía Nam ĐBSH có tốc độ tăng hơn các tỉnh phía Bắc.
Lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt vẫn là thế mạnh của ĐBSH với tổng giá trị năm 2010 đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2005, tiếp đến là thuỷ sản đạt 4.300 tỷ đồng. Hiện cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi (đến năm 2010 đã chiếm 39%).
|
Năng suất lúa nước ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang ngày càng cao hơn. |
Đối với ngành trồng trọt, trong 5 năm qua, sản xuất lúa nước đã góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực khi năng suất đã tăng từ 54 tạ lên 59 tạ/ha, góp phần đưa sản lượng lúa cả vùng lên 6,8 triệu tấn, tăng 6,3% so với năm 2005. Nhiều loại cây lương thực khác cũng đã tăng với số lượng khá. Đặc biệt, gần đây ĐBSH đã tập trung vào sản xuất rau an toàn, trồng đậu tương vụ đông, cây ăn quả. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt 65 triệu đồng/ha, gấp 2,3 lần năm 2005.
Về chăn nuôi, đây thực sự là lĩnh vực có bước đột phá lớn của vùng ĐBSH. Vùng ĐBSH có quy mô đàn gia cầm lớn nhất so với các vùng kinh tế khác trong cả nước với 76 triệu con. Còn chăn nuôi lợn phát triển cả về quy mô và chiều sâu, người dân đã chuyển từ nuôi lợn quy mô nhỏ, lẻ từ 1-2 con/hộ sang quy mô 20 con/hộ, trung bình 215 con/trang trại. Sản lượng thịt hơi năm 2010 đạt 1.280 tấn, tăng 388 tấn so với năm 2005…
Phát triển nông thôn mới
Điểm nổi bật sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 là, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, thuỷ lợi của vùng ĐBSH đã được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại hoá. Chỉ riêng giai đoạn 2006-2010, đã có 59 công trình thuỷ lợi với tổng mức đầu tư hơn 3.270 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn này với số vốn đầu tư 4.611 tỷ đồng đã giúp cho 2,8 triệu hộ nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt, đạt tỷ lệ 85%. Đặc biệt, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các tỉnh ĐBSH đã bắt đầu thực hiện một cách toàn diện.
ĐBSH chiếm 22,8% dân số cả nước, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người rất thấp (480m2/người). Giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng chiếm 18% cả nước và sản lượng thóc chiếm 19%.
Ngoài 2 xã điểm do T.Ư chỉ đạo, các tỉnh trong vùng đã chọn 207 xã để triển khai thí điểm chương trình xây dựng NTM. Riêng năm 2011, ngân sách T.Ư hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng 186,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình này.
Để tiếp tục phát triển lĩnh vực nông nghiệp, tăng thu nhập cho ND, Bộ NNPTNT đề xuất duy trì bằng được, bảo vệ diện tích đất lúa, đặc biệt là đất 2 lúa trong giai đoạn từ nay đến 2030 là 575.310ha, trong đó có 538.590ha đất chuyên lúa.
Muốn thực hiện được mục tiêu này, Bộ kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành chính sách đối với người sản xuất lúa. Duy trì, phát triển bền vững các làng nghề hiện có trong vùng (chiếm 43% tổng số làng nghề cả nước). Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, toàn vùng có 50% số xã đạt tiêu chí NTM trở thành vùng nông thôn hiện đại, văn minh.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.