55 tuổi sinh con kháu khỉnh sau 10 năm "hụt"

Thứ tư, ngày 02/05/2012 10:36 AM (GMT+7)
Lần thứ 19 chuyển phôi sau 10 năm chạy chữa vô sinh, chị Hoa hạnh phúc đón đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh.
Bình luận 0

Cuối năm 2010, khi đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đăng ký làm thụ tinh ống nghiệm (TTON), chị Nguyễn Thị Hoa xuất trình chứng minh thư sinh năm 1965. Nghĩa là lúc đó chị đã 45 tuổi, mức tuổi tối đa cho phép với kỹ thuật TTON. Nguyện vọng được thêm một lần làm mẹ của chị khiến các bác sĩ ở khoa Hỗ trợ sinh sản (HTSS) không nỡ từ chối.

Đánh đổi tất cả vì con

img
Hai em bé chào đời đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Có lẽ BS Đỗ Thị Hải - Trưởng khoa - sẽ không bao giờ quên được trường hợp TTON “cao tuổi” này. Chị Hoa sống ở Hà Nội và đã có một cô con gái. Đi bước nữa với người chồng thứ hai, chị mong muốn có thêm mụn con. Hiềm nỗi, sau 10 năm chung sống, ước nguyện ấy vẫn chỉ là niềm mong mỏi. Rồi bất ngờ, chị tìm đến khoa HTSS, BV Phụ sản Hải Phòng. Thời điểm đó, khoa chuẩn bị kỷ niệm 5 năm thành lập, công bố 120 em bé ra đời bằng phương pháp TTON.

Tuy khoa cũng đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật HTSS hiện đại, thế nhưng các BS ở đây vẫn rất e ngại cho nên thuyết phục chị trở lại Hà Nội, bởi theo CMT, chị Hoa đã 45 tuổi, độ tuổi “trần” cho phép làm kỹ thuật TTON. Ở Hà Nội, chị sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các BV chuyên khoa phụ sản hàng đầu.

Thế nhưng, chị Hoa vẫn một mực “trăm sự” nhờ tay các BS ở đây. Sự tha thiết của người mẹ mong con khiến không ai nỡ chối từ. Mắc bệnh tắc 2 vòi trứng và buồng trứng đã suy, chị Hoa xin được trứng và thụ tinh với tinh trùng của chồng, lúc đó anh cũng đã gần 60 tuổi. Thật là bất ngờ, chị đã đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên.

Nhưng cũng còn bất ngờ hơn, lúc đó người chồng mới nói “hở” ra tuổi thực của chị Hoa đã là 55, chứ không phải “ít” như con số trong CMND đã bị dập xóa. Chị Hoa nói trong nước mắt, mong được tha lỗi vì đã khai không đúng sự thật, vì lo lắng hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ. Nỗi bực mình cũng không thể lâu được, bởi chị Hoa đã dám đánh đổi tất cả để có thể làm mẹ, nỗi lòng người phụ nữ khát khao con đến vậy là cùng.

BS Hải hỏi lại nhà chị Hoa ở khu vực nào tại Hà Nội để giới thiệu cho chị những BS theo dõi thai sản giỏi và giàu kinh nghiệm. Khoa cũng giữ liên lạc thường xuyên và biết rằng lúc này chị đã vô cùng hạnh phúc với cậu con trai khỏe mạnh vừa tròn một tuổi.

Hy vọng cuối cùng

Cả khoa giờ đây cũng đang hồi hộp chờ ngày một công dân tí hon đặc biệt khác sắp sinh ra từ kỹ thuật TTON. Bị bệnh tắc 2 vòi trứng sau 4 lần chửa ngoài dạ con, chị Phạm Ngọc Mai (34 tuổi) đã đi khắp Bắc - Nam chữa bệnh.

Trải qua 8 lần TTON với tổng số 18 lần chuyển phôi, kể cả phôi tươi và phôi đông lạnh nhưng đều chưa thành công. Gia đình gần như kiệt về kinh tế, tuyệt vọng về tinh thần, chị trở về nhà. Rồi hai vợ chồng chị động viên nhau, vay mượn, cố gắng thử vận thêm lần nữa.

Khi nhận hồ sơ của chị Mai, Ban GĐ và khoa đã hội chẩn và xem xét kỹ các phác đồ thuốc đã sử dụng, làm thêm các xét nghiệm để hiểu rõ thêm về nội tiết, cơ địa của bệnh nhân, điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp với tình trạng hiện tại. Mọi người lại chia sẻ tư vấn để chị yên tâm... Rồi niềm vui vỡ òa, khi chị Mai cũng đậu thai ngay từ lần đầu tiên chuyển phôi ở đây, tức là lần thứ 19 chuyển phôi của chị sau 10 năm chạy chữa vô sinh.

100% số em bé ra đời khỏe mạnh

Từng dấu mốc đều được ghi lại: Ngày 7.4.2006, hai cháu bé TTON đầu tiên chào đời. Ngày 1.4.2007, cháu bé TTON - xin noãn đầu tiên của Hải Phòng chào đời khỏe mạnh. Ngày 10.11.2007 chào đón cháu bé đầu tiên sau chuyển phôi đông lạnh. Ngày 6.12.2008, cháu Lê Nguyễn Nguyên Hải trở thành em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).

Nhờ công nghệ trữ lạnh phôi, giá thành của một chu kỳ TTON sẽ giảm đi khi tận dụng hết số phôi dư. Nhiều bà mẹ sau khi sinh con đã hiến tặng phôi dư ấy cho BV. Các phôi này lại được tặng cho những cặp vợ chồng vô sinh từ cả hai phía theo nguyên tắc vô danh. Cháu bé đầu tiên từ kỹ thuật xin phôi đông lạnh cũng đã ra đời ngày 30.7.2008.

Qua 7 năm triển khai, tỉ lệ có thai lâm sàng của các sản phụ làm TTON ở BV Phụ sản Hải Phòng đạt 30%. Đặc biệt năm 2011, tỉ lệ thành công đã đạt trội lên tới 40%. Và vui hơn cả là các cháu bé ra đời từ kỹ thuật này đều chưa phát hiện thấy có gì bất thường.

Theo BS Đỗ Thị Hải, kết quả trên chưa phải là cao so với các nơi khác, nhưng sự thành công của mỗi trung tâm HTSS không chỉ dừng ở tỉ lệ đậu thai, mà còn đánh giá qua sự ổn định, ra đời khỏe mạnh của trẻ, giảm tai biến và áp lực cho người bệnh.

Theo Lao động

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem