Cao su, cà phê bứt phá
Tổng kim ngạch xuất khẩu đầu năm đến nay ước đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng đến 37,6% so với cùng kỳ. Những mặt hàng có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng cao như: Cà phê (45% về sản lượng và 22,6% về kim ngạch), cao su (12,6% và 80,7%)… Tính chung, các mặt hàng nông sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 7 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước...
Đặc biệt các mặt hàng từ sắn tăng đến 64,2% về sản lượng và 109% về kim ngạch. Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh góp phần nâng thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp đạt 4,3 tỷ USD và góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Cùng thời kỳ này năm trước, ngành nông nghiệp chỉ xuất siêu gần 2,6 tỷ USD.
|
Xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm ước đạt 1,2 tỷ USD. Ảnh chụp khai thác mủ cao su ở Bình Phước. |
Theo nhận định của giới chuyên gia, giá cà phê xuất khẩu đang trong xu hướng có lợi cho người trồng, bình quân đạt 2.184 USD/tấn. Các thị trường tiêu thụ cà phê lớn của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh, chẳng hạn như Bỉ là thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ, đạt giá trị 178,5 triệu USD và gấp gần 6 lần so với năm trước.
Mặt hàng cao su xuất khẩu 6 tháng ước đạt 274.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD. Mặt hàng này dù chỉ tăng 14,6% về lượng nhưng giá cao su tăng liên tục, với mức bình quân đạt 4.372 USD/tấn, giúp cho giá trị xuất khẩu tăng ngoạn mục tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng gạo trong 6 tháng qua xuất khẩu được gần 4 triệu tấn, kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD.
Mặc dù lượng gạo xuất khẩu sang thị trường truyền thống là Philippines giảm mạnh, nhưng bù lại xuất khẩu gạo Việt Nam lại có sự tăng trưởng vượt bậc ở các thị trường khác như Indonesia, Cuba và Malaysia. Cùng với đà tăng của nhiều mặt hàng nông sản khác, giá xuất khẩu điều, tiêu vẫn duy trì ở mức khả quan dù số lượng có sự sụt giảm ở nhiều thị trường.
Còn nhiều thách thức
Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát đánh giá, dù đạt nhiều thành quả khả quan nhưng nhìn chung tốc độ tăng trưởng của ngành NNPTNT chưa cao (1,9% so với mục tiêu 2,6% của cả năm). Trong ngành còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Bộ trưởng chỉ ra rằng, bức xúc nhất hiện nay trong chăn nuôi là dịch bệnh, trong lâm nghiệp là phá rừng, trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là sự lộng hành của thực phẩm kém chất lượng, phân bón, thuốc BVTV giả... Tất cả những tồn tại này cần phải được tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNN cũng cho biết, từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp sẽ tập trung cao độ để thúc đẩy sản xuất, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt chỉ tiêu của Chính phủ. Đặc biệt, bộ sẽ trình Chính phủ một số chính sách, chương trình để phát triển bảo vệ rừng, nước sạch vệ sinh môi trường, xây dựng lực lượng kiểm ngư...
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng: Nguồn cung nông sản toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu cạn kiệt, sản lượng nông sản không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các quốc gia biết tận dụng lợi thế trong việc đầu tư, cải thiện chất lượng để đạt hiệu quả cao nhất về sản lượng cũng như về giá.
Hương Thủy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.