Nước thải của doanh nghiệp hại đầm tôm

Thứ hai, ngày 01/11/2010 16:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ hơn một năm nay, hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản ở phường 12, TP.Vũng Tàu đã điêu đứng nhìn tôm, cá chết trong đùng (đầm) bởi nguồn nước ở đây đang bị ô nhiễm nặng.
Bình luận 0

Theo chân chị Trần Thị Dung (ngụ đường Hoa Lư, phường 12, TP.Vũng Tàu), chúng tôi ra thăm bốn đùng tôm, diện tích khoảng 50ha của gia đình chị.

Chị Dung cho biết, hiện tượng tôm, cá chết đã xảy ra từ hơn một năm nay. Đến nay, ba đùng tôm của chị đã chết gần hết.

Khi có mặt tại đây, chúng tôi thấy tôm lớn, tôm bé "đua" nhau dạt vào ven bờ đùng để… thở và chết. Ngoài ra còn có nhiều loài cá nổi lềnh phềnh, trắng bụng. Chỉ đi một vòng quanh bờ đùng, chị Dung đã nhặt được gần 2kg tôm, cá chết.

Theo nhiều người dân nuôi trồng thủy sản ở phường 12, từ một năm qua, họ không dám lấy nước từ sông Cây Khế vào, bởi nước có màu đen và hôi thối.

Trong khi, nuôi tôm, cá theo hình thức quảng canh, mỗi tháng phải lấy nước hai lần nhưng "canh me cả tháng, không có ngày nào có được nước sạch để lấy" - chị Dung cho biết. Từ lâu người dân đã làm đơn phản ánh, kiến nghị với chính quyền, cơ quan chức năng nhiều lần nhưng đến nay tình hình không được cải thiện.

Anh Trần Văn Toán- một người nuôi trồng thủy sản khác ở phường 12, bức xúc cho biết: "Dọc hai bên bờ sông Cây Khế hiện có hàng trăm hecta đùng nuôi tôm của bà con chúng tôi. Hàng ngàn nhân khẩu đang sống phụ thuộc vào nguồn nước.

Vậy mà từ lâu, dòng nước đã đen kịt, hôi thối nên không thể lấy nước để nuôi tôm. Bà con chúng tôi đang điêu đứng khi liên tục nhìn tôm chết trong đùng mà không có cách nào cứu được".

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Vũng Tàu, hiện tại trên địa bàn phường 11 và 12 có khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản hoạt động, trong đó chỉ có 21 đơn vị đã vận hành hệ thống xử lý nước thải, còn lại đều đang tiến hành xây dựng hoặc chưa làm.

Nước thải của những doanh nghiệp đóng trên hai phường này đổ ra sông Dinh, Cây Khế, chính là nguyên nhân gây ô nhiễm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đức - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Vũng Tàu cho biết, cả doanh nghiệp chế biến hải sản và người nuôi trồng thủy sản cần phải "gặp nhau" để thông tin cho nhau.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cần thông tin cho người nuôi trồng biết thời gian xả nước thải đã qua xử lý để người nuôi lựa giờ mà lấy nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem