60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình

K.Duẩn Thứ tư, ngày 28/06/2023 19:45 PM (GMT+7)
Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam nhận thấy Thái Bình có rất nhiều tiềm năng phát triển có thể hợp tác, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Đức trong một số lĩnh vực như đào tạo nghề, chuỗi cung ứng vật liệu, thị trường, tài chính, năng lượng tái tạo...
Bình luận 0

Ngày 28/6, UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK) tổ chức Hội thảo hợp tác đầu tư và phát triển Thái Bình - Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối với hơn 20 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Về phía các cơ quan Trung ương có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Như Hiếu, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao); đại diện Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam.

Về phía tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; ông Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh và nhiều vị lãnh đạo khác.

Đặc biệt, về phía CHLB Đức có ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng TM&CN Đức tại Việt Nam cùng đại diện 60 doanh nghiệp lớn của Đức.

60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo diễn ra sáng nay. Ảnh: Thành Tâm

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh đây là cuộc hội thảo lớn đầu tiên của Phòng TM&CN Đức tại Việt Nam tổ chức ở khu vực phía Bắc. Khẳng định, với nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Bình là điểm sáng thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam hiện nay.

Thái Bình nổi bật với khu kinh tế với diện tích gần 31.000ha, được quy hoạch 29 khu công nghiệp tổng diện tích hơn 8.000ha tạo quỹ đất lớn để phát triển công nghiệp; hệ thống giao thông kết nối vùng và liên vùng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực dồi dào. 

Thái Bình cũng đang thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và mong muốn Phòng TM&CN Đức tại Việt Nam là kênh kết nối giúp tỉnh xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư Đức vào hoạt động trong thời gian tới. Cấp ủy, chính quyền tỉnh cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư FDI nói chung, các doanh nghiệp Đức hợp tác đầu tư hiệu quả, cùng phát triển.

60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình - Ảnh 2.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam. Ảnh: Thành Tâm

Tiếp đó, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) giới thiệu khái quát về các hoạt động của AHK, trong đó nổi bật là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thông qua các kết nối hợp tác đầu tư. Các doanh nghiệp Đức đang mong muốn đầu tư vào Việt Nam bởi nhận thấy đây là quốc gia mới nổi trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, qua nghiên cứu tìm hiểu AHK nhận thấy Thái Bình có rất nhiều tiềm năng phát triển có thể hợp tác, phù hợp với nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp Đức trong một số lĩnh vực như đào tạo nghề, chuỗi cung ứng vật liệu, thị trường, tài chính, năng lượng tái tạo...

60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Tâm

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đánh giá cao sáng kiến và hành động xúc tiến đầu tư của Thái Bình và cho rằng, tỉnh có nhiều cơ hội thúc đẩy thu hút đầu tư vì hiện chưa có dự án của Đức hiện diện. 

Để thu hút các nguồn lực phát triển tỉnh từ thu hút vốn FDI và nhà đầu tư Đức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Thái Bình cần tham khảo các ý kiến của chuyên gia, sớm hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch tỉnh tạo không gian cho các nhà đầu tư. Cùng với đó chú trọng cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch triển khai chính sách pháp luật tại địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuyển đổi tư duy thu hút đầu tư theo chiều ngang sang chiều sâu để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Là hiệp hội lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, ông André de Jong, Thành viên BCH Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam hiện là địa điểm đầu tư ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Đức. Các nhà đầu tư Đức quan tâm và mong muốn môi trường đầu tư ở Việt Nam thông thoáng hơn, bảo đảm về an ninh năng lượng; bảo vệ môi trường và tính bền vững; đơn giản hóa, số hóa, đồng bộ hóa thủ tục hành chính nhất là về hải quan, thuế; tạo thêm các gói ưu đãi về thuế, kích thích tiêu dùng... tạo sức hấp dẫn hơn nữa cho các nhà đầu tư Đức đầu tư vào Việt Nam.

Tại hội thảo, hai bên đã cởi mở, thẳng thắn cùng nhau trao đổi làm rõ hơn những tiềm năng, cơ chế ưu đãi, chính sách, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của Thái Bình; những thế mạnh, xu hướng đầu tư và mong muốn của doanh nghiệp Đức nghiên cứu đầu tư vào một số lĩnh vực ngành nghề tại Thái Bình.        

60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu bế mạc Hội thảo. Ảnh: Thành Tâm

Bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND đánh giá cao các ý kiến phát biểu, trao đổi của đại biểu hướng đến thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa Thái Bình với các đối tác CHLB Đức.

Theo Phó Bí thư Nguyễn Khắc Thận, Thái Bình luôn xác định nguồn lực bên trong là quyết định, cơ bản, lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; do vậy việc thu hút đầu tư vào tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. 

Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đó, Thái Bình mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ, đồng hành của các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao tiếp tục giới thiệu các nhà đầu tư đến tìm hiểu, hợp tác và đầu tư; tiếp tục hỗ trợ Thái Bình trong thu hút nguồn vốn FDI nói chung, các nhà đầu tư Đức nói riêng; đồng thời hỗ trợ giúp Thái Bình thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó có thỏa thuận hợp tác giữa Thái Bình và Phòng CN&TM Đức tại Việt Nam ký kết hôm nay.

60 doanh nghiệp lớn của CHLB Đức tìm cơ hội hợp tác đầu tư với tỉnh Thái Bình - Ảnh 5.

Lễ ký kết hợp tác biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam. Ảnh: Thành Tâm

Ông Marko Walde và AHK cam kết tiếp tục tương tác, hỗ trợ kết nối với các địa phương, doanh nghiệp Đức đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Thái Bình trên một số lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh cũng là thế mạnh trong ngành công nghiệp Đức: Công nghiệp phụ trợ; sản xuất ô tô, điện, điện tử - viễn thông, chế tạo máy móc, năng lượng tái tạo, sản xuất dược phẩm; các dự án giáo dục, đào tạo, xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao…

Cùng với đó, AHK kết nối giúp các doanh nghiệp của Thái Bình đưa sản phẩm thâm nhập thị trường Đức và châu Âu nhiều hơn trong thời gian tới. Tỉnh cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Đức đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, yên tâm làm ăn lâu dài và hiệu quả tại địa phương.

Trong khung khổ của hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Phòng TM&CN Đức tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh với Roding Mobility CHLB Đức cùng phát triển thương hiệu xe ô tô điện cỡ nhỏ, xe chuyên dụng tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem