Trong 10 năm qua, hoạt động khai thác hải sản tồn tại nhiều bất cập từ công tác quản lý tàu cá, khai thác hải sản mất kiểm soát cho đến công nghệ khai thác, thu hoạch lạc hậu… khiến nguồn lợi hải sản bị tổn thương. Để xốc lại ngành khai thác, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ bơm gần 6.000 tỷ đồng.
Thủy sản bị đánh bắt đến cạn kiệt
Mổ xẻ những bất cập về hoạt động khai thác hải sản trong những năm qua, Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Số tàu cá tăng vùn vụt từng năm, đến 2011 đã xấp xỉ 130.000 tàu, tăng gấp 3 lần năm 1990. Trong khi đó, công tác quản lý tàu cá, quản lý hoạt động khai thác hải sản yếu kém và không kiểm soát được do đó xảy ra tình trạng cạnh tranh trong khai thác tăng lên, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp tăng khiến cho nguồn lợi suy giảm và bị tổn thương”.
|
Ngoài đánh bắt, hoạt động của các cảng cá, bến cá cũng còn nhiều bất cập, hạn chế. |
Theo số liệu của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cá nổi nhỏ đã bị khai thác vượt quá giới hạn 25-30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, ảnh hưởng đến nguồn lợi cá nổi lớn do thiếu thức ăn. Hải sản tầng đáy cũng bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép từ 30-35%, trong đó có nhiều giống loài hải sản có vòng đời dài, dẫn tới nguy cơ bị tuyệt chủng.
Bên cạnh đó công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu còn lạc hậu khiến sản lượng khai thác được đến người tiêu thụ cuối cùng thường bị hao hụt từ 25-30%. Việc đầu tư cho cảng cá, bến cá rất hạn chế, công tác quản lý cảng cá, bến cá còn nhiều bất cập.
Việc liên kết trong quản lý chuỗi sản phẩm khai thác chưa được thực hiện giữa chủ tàu, doanh nghiệp, nhà quản lý nên giá cả bấp bênh, chất lượng sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngư dân, uy tín của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nguy hại hơn là do thiếu liên kết chặt chẽ đã tạo kẽ hở cho các thương nhân nước ngoài lợi dụng để thu mua trực tiếp hải sản từ ngư dân.
“Thay máu” ngành khai thác hải sản
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản do Tổng cục Thủy sản soạn thảo đang nhắm tới tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản tại các vùng biển, sắp xếp phù hợp với từng nhóm nghề, từng nghề, từng ngư trường và kiểm soát được hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển. Mục tiêu lớn là nâng cao hiệu quả khai thác, nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển, hướng đến nghề cá hiện đại, có trách nhiệm và bền vững”.
Đề án dành 1.200 tỷ đồng xây dựng 5 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cấp vùng (Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang), 7 trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo trọng điểm.
Việc đầu tư đóng các tàu cá công suất lớn cũng là một kế hoạch quan trọng trong đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản. Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết: “Đề án đề xuất chi 500 tỷ đồng để thí điểm đóng tàu mới gắn với xây dựng các mô hình tổ chức lại sản xuất khai thác xa bờ ở Quảng Ngãi và tổ chức khai thác cá ngừ đại dương ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Mục tiêu của việc đóng tàu mới nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, nâng cao năng lực quản lý sản xuất chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Theo đề án, sẽ dành 1.500 tỷ đồng nhằm giúp ngư dân tạo sinh kế mới, ổn định nâng cao đời sống, hỗ trợ ngư dân chuyển sang các nghề khai thác hoặc các nghề khác ổn định hơn, bền vững hơn như nuôi trồng thủy sản, khai thác xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch… Việc hỗ trợ này nhằm mục đích chuyển đổi các nghề khai thác hải sản không thân thiện với nguồn lợi và môi trường (như các tàu cá đang sử dụng các phương tiện cấm khai thác hoặc các phương tiện khai thác không hiệu quả, không đảm bảo an toàn khi tham gia sản xuất trên biển) để giảm mức độ khai thác ở vùng biển ven bờ.
Đình Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.