Đường dành riêng cho cua
Đảo Christmas nằm ở phía Nam Thái Bình Dương là nơi sinh sống của hàng chục triệu con cua đỏ (gecarcoidea natalis). Mặc dù loài này sinh sống trong các khu rừng trên đảo, nhưng tới mùa sinh sản, chúng thường bò ra biển để đẻ trứng.
Để giúp cua đỏ vượt qua đường một cách an toàn, người dân trên đảo Christmas đã nghĩ ra một loạt các biện pháp độc đáo. Ban đầu họ sẵn sàng cấm đường để dành riêng cho cua đi lại, nhưng trong những năm gần đây, người dân đã rất “chịu chi” khi xây dựng riêng đường và hầm cho cua đỏ.
Hơn 20 km hàng rào nhựa, 31 đường hầm và 1 cây cầu cao 5m đã được xây dựng nhằm dẫn đường cho những chú cua đỏ ra tới biển một cách an toàn.
“Con đường rùa” gây bão mạng
Một bức ảnh được chia sẻ bởi công ty Đường sắt Nhật Bản đã gây bão trên mạng khi công ty này xây dựng một đường hầm dành riêng cho rùa băng qua đường ray. Đây là giải pháp nhằm hạn chế các vụ rùa bị chết do mắc kẹt vào đường ray ngày càng gia tăng tại Kobe.
“Đường cao tốc” dành cho ong
Tại Oslo, Na Uy, chính quyền đã cho xây dựng một “đường cao tốc” dành cho ong nhằm bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Không chỉ dùng để đi lại, con đường này còn có nơi cung cấp thức ăn và trú ẩn cho loài thụ phấn này.
Được biết, việc hủy diệt hàng loạt các quần thể ong như hiện nay đã khiến nông dân tại Tứ Xuyên, Trung Quốc phải thụ phấn cho cây trồng bằng tay. Tại Mỹ, một số người không còn lựa chọn nào khác là thuê các tổ ong, sau đó vận chuyển bằng xe tải đến để thụ phần cho hoa màu.
Con đường sinh thái mô phỏng y như rừng thật
Tại Hà Lan, có tới hơn 600 điểm giao cắt dành cho động vật hoang dã (bao gồm cả hầm và các con đường sinh thái). Những công trình này thường rất lớn và được mô phỏng giống như thảm thực vật trong các khu rừng gần đó. Điều này giúp cho chúng thân thiện với các loài động vật hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng. Theo ghi nhận, trung bình một năm có tới 5000 con nai và heo rừng đi qua con đường độc đáo này.
Cầu dành cho sóc hẹp nhất thế giới
Nutty Narrows là cây cầu dành cho sóc tại Longview, Washington. Cây cầu hiện đang giữ danh hiệu là “Cầu hẹp nhất thế giới”. Trước khi có Nutty Narrows, những chú sóc phải liều mình băng qua các con đường đông đúc để tìm kiếm thức ăn.
Đường hầm kì nhông
Henry là tên một con đường hai làn xe ở Bắc Amherst, Massachusetts. Nó trông giống như bất cứ con phố khác trong thành phố, nhưng chỉ cần tới mùa xuân, khi nhiệt độ buổi tối tăng lên trên 5 độ C và tuyết bắt đầu tan thì hàng trăm loài kỳ nhông đốm sẽ ngóc đầu lên từ hang hốc của chúng trong rừng và đi lại qua các con đường hầm tại đây.
Cầu vượt dành cho gấu
Vườn quốc gia Banff, Canada được xây dựng cắt qua đường cao tốc xuyên quốc gia luôn nhộn nhịp xe qua lại. Điều này đã đe dọa tới sự sinh tồn cho hàng chục loài động vật có vú sinh sống quanh đó, đặc biệt là loài gấu. Chính vì vậy, từ năm 1996 đến năm 2013, chính quyền Canada đã cho xây dựng 6 cầu vượt và 38 đường hầm nhằm hỗ trợ việc đi lại của hơn 140.000 động vật hoang dã.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.