1. Tiền không thể mua tất cả mọi thứ
Có thể bạn cho rằng một đứa trẻ sẽ không đủ tư duy để hiểu hết ý nghĩa của vấn đề này. Tuy nhiên nếu bạn không dạy con từ khi còn bé, trẻ sẽ sống cứng nhắc, không trân trọng tình cảm, thiếu động lực và không bao giờ đề ra mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống.
Hãy dạy con bạn bằng những ví dụ thực tế để trẻ thấy rằng người ta không thể mua được những thứ như: gia đình, hạnh phúc, sự bình an, tài năng, sức khỏe, và nhiều thứ hơn nữa chỉ bằng tiền bạc. Tất cả điều bạn cần hướng con suy nghĩ đó là nhận ra những gì thật sự quan trọng và có giá trị. Phải để cho con bạn nhận thấy rằng sự thành công thực sự trong cuộc sống không đơn giản chỉ là sự nổi tiếng và giàu có.
2. Sự tôn trọng phải do chính mình tạo nên
Trong việc dạy dỗ con cái, một điều vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần phải dạy con đó là mọi giá trị đạo đức và những ứng xử xã hội cần thiết. Điều này không chỉ giúp trẻ tự tin vào bản thân, tin tưởng người khác mà còn hình thành nhân cách của trẻ về sau này. Vì thế, xây dựng cho trẻ thói quen tôn trọng người khác và để người khác tôn trọng mình là điều cha mẹ nên giáo dục con từ nhỏ.
Hãy giải thích cặn kẽ cho trẻ hiểu về giá trị của sự tôn trọng. Rằng để có được sự tôn trọng của mọi người, con không thể đi xin, yêu cầu hoặc dùng tiền để mua. Nếu con muốn ai đó tôn trọng mình thì con phải làm những gì để tạo sự tin tưởng, nể phục… Ngược lại nếu người khác tôn trọng con chỉ vì sự giàu có, thì sau đó khi con nghèo đi, những người kia sẽ không còn ở bên cạnh con.
3. Tình bạn, sự tin tưởng phải được chăm sóc và nuôi dưỡng
Bạn có thể dẫn giải những ví dụ cụ thể để con thấy được rằng để có được tình bạn và lòng tin tưởng của một ai đó đòi hỏi phải tốn rất nhiều thời gian và tâm sức. Con không thể có được một người bạn tốt tin tưởng mình chỉ bằng một câu nói, mà nó đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, sự đồng cảm, tôn trọng, quan tâm lẫn nhau, và liên tục nuôi dưỡng.
Bạn có thể hài hước ví dụ tình bạn của chính hai vợ chồng mình để con thấy được rằng bố mẹ chơi thân với nhau như vậy vì bố mẹ rất cố gắng để không làm người kia buồn, khóc...
4. Không được xem thường bất cứ thứ gì hoặc bất cứ ai
Bản thân bạn sau nhiều trải nghiệm của cuộc sống, sẽ có lúc nhận ra rằng khi mình mất đi một cái gì đó mình mới nhận ra giá trị thực sự của nó. Để tránh cho con rơi vào vết xe đổ và cũng là để trẻ biết tôn trọng, nâng niu những gì mình có, bạn phải dạy cho trẻ biết rằng nên trân trọng và đánh giá cao những gì bản thân mình đang có. Bởi, không bao giờ con có thể biết được khi nào những điều đó sẽ được tuột khỏi tay con.
Bạn có thể lấy nhiều ví dụ từ những câu chuyện cổ tích để lồng ghép bài học này vào cho con dễ hiểu. Có như vậy sau này, trẻ mới trân trọng và nhận ra những giá trị thực sự của những gì mình đang có - được thừa hưởng.
5. May mắn và làm việc chăm chỉ luôn đi cùng nhau
Bạn có muốn sau này con mình trở thành một kẻ vô dụng, chỉ biết ngồi chờ đợi mà không hề có mục tiêu trong cuộc sống? Ngay cả khi con là một đứa trẻ thì bạn cũng cần chỉ ra cho con thấy rằng không một ai chỉ ngồi chờ đợi may mắn đến là lập tức có được mọi thứ.
Để mở được cánh cửa thành công, ngoài sự may mắn thì con cần phải làm việc - lao động chăm chỉ. Làm việc chăm chỉ là con đường duy nhất để con đạt được mục tiêu của mình. Hãy chỉ cho con thấy khi lao động càng hăng say thì may mắn con nhận được sẽ càng nhiều hơn.
6. Giá trị của tính kỷ luật
Nếu không có tính kỷ luật, sau này lớn lên, trẻ sẽ sống buông thả, tự để mình rơi tự do ra khỏi chuẩn mực và khuôn khổ. Bởi thế, ngay từ khi con còn bé, cha mẹ hãy giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của tính kỷ luật trong cuộc sống của một người. Bạn có thể lấy những ví dụ thành công ngoài thực tế liên quan đến các mặt của đời sống như: thể thao, y tế, sự nghiệp… để làm dẫn chứng cho con vì tất cả mọi thứ đều đòi hỏi có những yêu cầu về tính kỷ luật nhất định.
7. Tầm quan trọng của lời xin lỗi
Khi cha mẹ chủ động dạy con về tầm quan trọng của việc nói lời xin lỗi sẽ giúp chúng thấy được hậu quả của những việc làm không đúng - tiêu cực. Hơn thế, việc dạy và giải thích cho trẻ về tầm quan trọng của lời xin lỗi, lý do cần phải xin lỗi sẽ giúp con sống đúng với cá tính và có trách nhiệm hơn.
Cha mẹ hãy luôn là tấm gương biết thừa nhận lỗi lầm. Hãy xin lỗi trước mặt con khi bản thân bố mẹ phạm lỗi. Bạn cũng có thể giải thích với con rằng lời xin lỗi có sức mạnh rất lớn, nó giúp mọi người gần gũi nhau hơn và hàn gắn những giận hờn, tranh cãi. Dạy con nhận thức rõ về lời xin lỗi cũng là một cách cha mẹ hình thành đức tính khiêm tốn ở con dạy con biết quan tâm tới người khác.
Theo Vnexpress/ Magforwomen
Vui lòng nhập nội dung bình luận.