Giá trị gia tăng ngày càng thấp
Trong một thời gian dài, NN Việt Nam đã phát triển vượt bậc: Giá trị, sản lượng tăng, xuất khẩu tăng, thu nhập dân cư nông thôn được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng NN thời gian qua chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng đầu vào, nên đã tác động xấu đến môi trường, tăng mức độ ô nhiễm, suy yếu nguồn tài nguyên, gây bất lợi cho sức khỏe của cộng đồng, ảnh hưởng đến chất lượng, hạn chế nông sản Việt tiếp cận phân khúc thị trường quốc tế.
Năng suất các cây trồng chủ lực tăng chậm lại. Chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản vẫn ở trạng thái manh mún, khiến cho thu nhập cho người nông dân vẫn thấp, mặc dù giá và lượng hàng hóa giao dịch thương mại trên thị trường cao hơn trước.
|
Cà phê là cây trồng có nhu cầu tiêu thụ lớn cả trong nước và quốc tế nên có thể tập trung đầu tư phát triển. |
Tăng trưởng NN đã và đang có dấu hiệu suy giảm. Tốc độ tăng GDP NN giai đoạn 1996 - 2000 đạt 4%/năm, giảm xuống còn 3,83%/năm trong giai đoạn 2001 - 2005 và 3,3%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất NN cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 58,8% năm 2010 (theo giá thực tế) và 45,6% năm 2000 xuống 38,8% năm 2010 (theo giá so sánh). Hệ thống khoa học công nghệ NN phát triển chậm, thiếu sự phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu NN trong GDP nông nghiệp thấp, chưa bằng một nửa so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác.
Sản xuất NN vẫn manh mún làm tăng rủi ro, ngăn cản áp dụng công nghệ tiên tiến, khó bảo quản-quản lý chất lượng- kiểm soát dịch bệnh, tăng chi phí, cản trở hợp tác nông - công do tính rủi ro khi ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với hàng trăm nông hộ nhỏ. Công nghiệp chế biến nông sản kém phát triển...
Tái cơ cấu bắt đầu từ đâu?
Trước các vấn đề như trên, theo các chuyên gia của Ipsard, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp sau để thực hiện tái cơ cấu NN:
Tập trung phát triển những ngành hàng có sức cạnh tranh cao hoặc có tiềm năng phát triển trong tương lai. Cụ thể, trong ngành trồng trọt, tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế so sánh rõ rệt và có nhu cầu lớn trong tương lai phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, rau quả nhiệt đới, lúa gạo. Giảm thiểu những cây trồng kém lợi thế, chấp nhận nhập khẩu với quy mô hợp lý phục vụ chế biến và nhu cầu tiêu dùng trong nước (bông, thuốc lá, rau hoa quả ôn đới, đỗ tương…).
Trong ngành chăn nuôi, tập trung phát triển các ngành hàng có lợi thế và tiềm năng thị trường cao như gia cầm, trứng, sữa. Duy trì tăng trưởng ngành hàng lợn và gia súc lớn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong ngành thủy sản, tập trung phát triển nuôi trồng, nhất là nuôi thủy sản nước lợ và sau đó là nước ngọt, mở rộng nuôi trồng trên biển theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và duy trì cân bằng sinh thái môi trường. Chuyển sang đánh bắt biển xa theo hướng khai thác bền vững, kết hợp kinh tế - quốc phòng…
Tăng cường thể chế cho phát triển NN theo định hướng thị trường. Phát triển thị trường đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính cung cấp đa dạng loại hình cho vay, bảo hiểm và các dịch vụ khác trong NN, phát triển nông thôn, tăng cường vai trò và năng lực của hiệp hội nông dân, hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ phát triển hợp đồng nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý rủi ro; thúc đẩy phát triển các loại hình giao dịch thị trường hiện đại.
Phát triển hệ thống đổi mới NN. Đổi mới hệ thống quản lý hành chính và tài chính trong quá trình xác định các vấn đề ưu tiên, giám sát và đánh giá các nghiên cứu trong ngành NN. Tăng lợi ích gắn liền với trách nhiệm của cán bộ nghiên cứu, đảm bảo chất lượng và khả năng ứng dụng của các kết quả nghiên cứu. Thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa tư nhân, Nhà nước với các tổ chức nghiên cứu và giáo dục quốc tế.
Thúc đẩy đầu tư cho công nghiệp phục vụ NN và hiện đại hóa chuỗi cung ứng NN. Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho phát triển các cụm nông-công nghiệp, có chính sách khuyến khích đầu tư vào các vùng kém phát triển. Đầu tư tư nhân đóng vai trò chính để hiện đại hóa chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Tăng cường năng lực và tạo động lực cho việc quản lý chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường là động lực chính để cải tiến chất lượng, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, đặc biệt là về đảm bảo chất lượng giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp, hỗ trợ các sáng kiến về nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chỉ dẫn địa lý...
Tăng cường quản lý tài nguyên hướng tới tăng trưởng bền vững: Áp dụng các biện pháp kỹ thuật và thể chế để tăng hiệu quả sử dụng nước trong thủy lợi, tăng cường quản lý giám sát các nguồn lợi ven biển, áp dụng biện pháp đồng quản lý đối với đánh bắt thủy sản ven bờ, nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác rừng. Tăng cường tính hiệu lực của các quy định và thực hành nhằm giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường của việc khai thác các nguồn lực nông, lâm, thủy sản. Xây dựng khung pháp lý và chính sách hỗ trợ quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn lưu vực sông và quản lý khí thải carbon.
Nâng cao năng lực quản lý rủi ro: Nâng cao năng lực của nông dân và các thành phần kinh tế nông thôn khác trong việc quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như các rủi ro về thị trường. Cải thiện hệ thống dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo sớm và gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn NN. Xem xét thay đổi phương pháp canh tác và lựa chọn giống phù hợp, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển về các giống cây trồng, vật nuôi mới...
Anh Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.