Ông Trương Quý Dương – Giám đốc BV ĐK Hòa Bình từng bị yêu cầu “rút kinh nghiệm” trong việc triển khai liên doanh, liên kết với doanh nghiệp.
Theo thông tin của Dân Việt, hôm qua, 1.6, cơ quan công an đã làm việc với các cán bộ có liên quan trong vụ việc, cũng như làm việc với các chuyên gia về chạy thận nhân tạo, trong đó có chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Theo dự kiến, khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Hòa Bình - nơi xảy ra vụ tai biến - sẽ được khắc phục và đi vào hoạt động trở lại trong khoảng 10 ngày tới. Theo đánh giá của giới chuyên môn, các tình huống có thể dẫn đến tai biến này như nguyên nhân từ quả lọc, dịch lọc... Được biết, 1/3 trong số 18 bệnh nhân đã dùng quả lọc mới nhưng cũng gặp các triệu chứng tương tự như tất cả các bệnh nhân trong ca là nôn, tiêu chảy, một số bị ngất…
Bên cạnh đó, lô dịch lọc sử dụng cho 18 bệnh nhân này cũng đã được sử dụng cho ca chạy trước đó. Riêng nước sử dụng để chạy thận thì theo hồ sơ bệnh viện, hệ thống nước đã được bảo trì một ngày trước khi xảy ra tai biến khiến 7 trong số 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tử vong.
Trụ sở Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn tại Hà Nội luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài mấy ngày qua.
Trước đó, tổ công tác Công an tỉnh Hòa Bình và Bộ Công an đã đến làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc bảo trì, sửa chữa thiết bị lọc nước vệ sinh tại khoa Thận nhân tạo của BV ĐK Hòa Bình.
Đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an, y tế, đại diện UBND phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cũng đã tổ chức kiểm tra Công ty Thiên Sơn.
Thông tin với PV, ông Nguyễn Văn Tiệp - Phó chủ tịch UBND phường Trung Hoà cho biết, qua kiểm tra, Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn đã trình đầy đủ giấy phép hoạt động và không có vi phạm về hành chính.
Công ty Thiên Sơn có giấy phép hoạt động từ năm 2012 và trong quá trình hoạt động tại phường Trung Hoà công ty này chưa vi phạm gì về hành chính.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, theo Kết luận số 184 ngày 6.3.2014 và Kết luận số 825 ngày 1.7.2014 của Sở Y tế Hòa Bình, BV ĐK Hòa Bình đã thuê máy, các thiết bị y tế của các doanh nghiệp. Để chi trả cho việc thuê các thiết bị này, bệnh viện này đã mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính các doanh nghiệp đó cung cấp.
Cụ thể, BV ĐK Hòa Bình đã ký hợp đồng thuê một số loại máy móc, thiết bị y tế, trong đó đáng chú ý có thuê 8 máy chạy thận nhân tạo của Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn. 8 chiếc máy chạy thận này được thuê thành 2 đợt.
Cụ thể, cuối năm 2009, BV ĐK Hòa Bình đã ký hợp đồng thuê máy với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn 5 máy chạy thận nhân tạo. Số máy này được đặt tại Đơn nguyên Thận nhân tạo - Khoa ICU, phục vụ nhu cầu hoạt động của bệnh viện.
Tiếp đó, tháng 9.2011, BV ĐK Hòa Bình tiếp tục ký hợp đồng thuê 3 máy chạy thận nhân tạo với Công ty Thiên Sơn.
Tuy nhiên, theo Kết luận thanh tra, việc BV ĐK Hòa Bình thuê máy và trả chi phí cho doanh nghiệp bằng việc mua hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy chính do chính doanh nghiệp đó cung cấp là chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12.12.2007 của Bộ Y tế.
Trước sự việc này, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình kiến nghị Giám đốc BV ĐK Hòa Bình Trần Quý Dương “rút kinh nghiệm” trong việc triển khai liên doanh, liên kết với doanh nghiệp.
Sau khi kết luận thanh tra vụ việc được công bố, bệnh viện này đã dừng việc ký hợp đồng thuê các thiết bị y tế với doanh nghiệp và tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch. Và Công ty CP Thiên Sơn sau đó đã trúng thầu cho thuê máy chạy thận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.