Chiều 15.12, sau nhiều lượt chống sào tre đưa ghe chuyển hàng chục người dân khu vực 6 (phường Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn, Bình Định) về nơi an toàn, đến chuyến thứ năm thì Trần Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng quân sự phường cùng 5 người gặp nạn.
Chỉ huy trưởng quân sự phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn) Trần Văn Tuấn kể về giây phút 6 người đu nhánh tre, cây bạch đàn chống chọi lũ dữ. Ảnh: Minh Hoàng
Lũ quét cuốn chiếc ghe cùng 6 người
Sau hai ngày xảy ra vụ việc, Tuấn vẫn còn chưa nguôi ám ảnh chiếc sào tre dùng chống ghe đưa bốn phụ nữ và một trung niên vùng lũ đi sơ tán thì bất ngờ gãy ngang giữa vực nước xoáy.
"Nghe sào tre gãy răng rắc, mọi người nháo nhào phát hoảng khiến ghe chao đảo mạnh, nước ồ ạt tràn vào. Trong cơn nguy khốn, tôi động viên mọi người cố giữ bình tĩnh, ngồi thăng bằng hợp sức tát nước ra khỏi ghe tránh bị chìm", Chỉ huy trưởng quân sự Bùi Thị Xuân thuật lại.
Lũ quét càng lúc càng dâng cao đổ về đẩy chiếc ghe từ đập suối Khoai xuôi theo dòng chảy cầu ông Cách trôi xa hơn 100m. Bốn phụ nữ ngồi trên ghe hoảng loạn la khóc 'trời ơi, phen này hết đường sống rồi', lòng ai cũng rối bời âu lo, sợ hãi.
Sau hơn 25 phút tròng trành giữa biển nước mênh mông, chiếc ghe cùng 6 người bị nước xiết tấp vào lùm tre, bạch đàn bên suối. Một tay họ vịn thành ghe, tay còn lại đu nhánh tre, ôm cây bạch đàn chống chọi với lũ dữ suốt hơn 1 giờ chờ cứu hộ.
Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Thị Tường Vi, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn), kể lại trong lúc tất bật cùng anh em sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm lũ quét thì nghe anh Tuấn, Chỉ huy trưởng quân sự phường điện thoại về cấp báo run lập cập: "Chị ơi, em và năm người dân bị lũ cuốn trôi rồi".
Người dân phường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn) mua lương thực dự trữ sử dụng trong những ngày mưa lũ. Ảnh: Minh Hoàng
"Nghe Tuấn điện báo tin dữ mà rụng rời chân tay, tôi liền điện thoại cầu cứu lãnh đạo TP.Quy Nhơn điều động gấp ca nô, xuồng máy đến hiện trường để cứu người", bà Vi nói.
Sau hơn 1 giờ chống chọi với lũ dữ, Tuấn và 5 ngư dân dầm mình trong mưa ướt sũng, lạnh run tím tái. "Giữa lúc tuyệt vọng, thấy lực lượng cứu hộ xuất hiện từ xa lái xuồng máy chạy đến, chúng tôi vui mừng mà bật khóc", bà Hà - người dân gặp nạn bộc bạch.
Trong tích tắc, cán bộ, chiến sĩ buộc dây thừng vào phao tròn rồi ném về phía các nạn nhân bám vào để kéo người dân lẫn chiếc ghe vào bờ an toàn.
Thầy giáo đu nhánh tre thoát chết trong lũ dữ
Chiều 15.12, trong lúc cùng các giáo viên trực mưa lũ ở Trường Tiểu học Âu Cơ (phường Bùi Thị Xuân), thấy lũ lớn bất ngờ ồ ạt tràn vào sân trường, thầy giáo Trần Xuân Vụ xin nghỉ phép vượt dòng nước xiết về khu vực 6 giúp cha già kê dọn tài sản lên cao.
Khi đi qua bờ tràn ở khu vực 6, thầy giáo này bị hẫng chân giữa dòng nước chảy xiết ngập sâu gần 2m. Chưa kịp quay đầu lại thì lũ cuốn thầy giáo ngã nhào trôi về phía hạ lưu.
Ông Trần Xuân Tố (trái) vui mừng vì con trai thoát nạn trong lũ dữ. Ảnh: Minh Hoàng
"Trong lúc nguy khốn, tôi tự trấn an mình rồi bơi ngửa xuôi theo dòng chảy về hướng lùm tre bên suối. Gạo, mì tôm, mắm, bột ngọt... mang về cho cha dự trữ ngày mưa lụt đành buông tay thả trôi hết. Sau gần gần 20 phút vật lộn với lũ, tôi may mắn bám được nhánh tre bên suối", thầy giáo Vụ kể lại.
Bị lũ quét quăng quật, ông Vụ nhiều lần vuột tay ra khỏi nhánh tre rồi lại dồn sức bơi vào đu bám. Sau đó thầy giáo nương theo bờ tre gai chấp nhận bị cào xước tứa máu nhiều vết thương trên cơ thể để tìm đường lên bờ.
Thoát nạn khỏi lũ dữ, ông tìm đường vòng tiếp tục hành trình về nhà với người cha ở vùng cô lập. Theo thầy giáo Vụ, nhiều lần ngỏ ý đón cha già lên đường cao sống cùng hai vợ chồng nhưng ông Trần Xuân Tố nhất mực không chịu vì thích sống ở quê yên tĩnh.
Nghe con kể lại chuyện thoát chết trên đường về giúp cha tránh lũ, ông Tố vừa mừng vừa tủi thương cho tấm lòng hiếu thảo con trai mình. "May mà con trai thoát chết trở về, nếu nó lỡ có bề gì chắc tui không sống nổi", người cha trải lòng.
Minh Hoàng (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.