Bộ GDĐT mới đây vừa công bố dự thảo điều chỉnh Quy chế tuyển sinh đại học 2022 với 8 điểm chú ý. Theo Bộ GDĐT, quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, những thành công đã đạt được từ công tác tuyển sinh những năm vừa qua. Quy chế tuyển sinh 2022 điều chỉnh một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, các cơ sở đào tạo, hoàn thiện chính sách về tuyển sinh, bảo đảm khách quan, công bằng cũng như tạo sự minh bạch và đồng thuận trong xã hội.
Liên quan đến những điều chỉnh Quy chế tuyển sinh đại học 2022, trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết: "Tôi rất đồng ý với ý kiến của Bộ GDĐT vì sẽ giúp các thí sinh có thể nhập học vào những trường có độ ưu tiên nhiều nhất.
Những điều này có thể làm cho các trường đại học thấy "khó chịu" vì không có "quyền" bắt thí sinh phải nhập học trước. Điều này sẽ thuận lợi và công bằng cho thí sinh xét tuyển các đợt, vì các đợt xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển bằng hình thức thi riêng... các trường đại học thường "bắt buộc" thí sinh trúng tuyển nhập học trước và đợt xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhập học sau cho chắc chắn.
Thêm nữa, việc phải giải trình các phương án xét tuyển "lạ", các trường đại học muốn gì thì muốn cũng phải giải thích cặn kẽ cho các thí sinh có thể hiểu được lý do mà mình sẽ chọn các khối, tổ hợp môn để xét tuyển vào trường. Nếu như lấy khối "lạ" để xét tuyển vào trường có khối ngành y, dược thì nên giải thích công khai trên web, các phương tiện thông tin đại chúng cho các thí sinh được biết.
Điều đặc biệt của quy chế này đã yêu cầu các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án. Điều này giúp các thí sinh bớt lo lắng nếu như đăng ký bị lầm lẫn".
Thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên một trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội bày tỏ: "Có thể thấy trong các điểm mới của Quy chế tuyển sinh đại học 2022 có những điểm tích cực, nhưng bên cạnh đó nhiều điểm chưa hợp lý".
Theo thầy Hiền:
"Thứ nhất, học sinh đăng ký dự thi hoàn toàn trực tuyến, giảm bớt những gánh nặng, sai sót trong nhiều khâu, tiết kiệm chi phí xã hội và thời gian.
Thứ hai, các trường đại học phải giải trình về tính hợp lý trong việc sử dụng các phương thức xét tuyển, điều này tránh việc trăm hoa đua nở trong tuyển sinh đại học, gây bất ổn cho thí sinh. Tiếp nữa, việc Bộ GDĐT tạo ra rào cản kỹ thuật trong đó lọc ảo chung tất cả các phương thức sẽ tránh được hiện tưởng đỗ ảo trong tuyển sinh. Điều này về mục đích là tốt nhưng tôi đang e ngại việc lọc ảo này sẽ như thế nào, hiệu quả ra sao khi có nhiều biến số khác nhau ở các phương thức.
Thứ ba, theo quy chế tuyển sinh đại học 2022, thay đổi việc cộng điểm ưu tiên là chưa hợp lý, thậm chí cồng kềnh. Có lẽ Bộ GDĐT muốn tránh trường hợp điểm chuẩn vượt quá 30 và hiện tượng 27-28 điểm vẫn trượt đại học đã xảy ra ở một số năm vừa qua gây ồn ào trong dư luận. Đây gọi là giải pháp khống chế, tuy nhiên, cốt lõi của hiện tượng trên nằm ở sự phân hóa của đề thi và việc lựa chọn sắp xếp nguyện vọng của thí sinh chứ không phải là điểm ưu tiên.
Việc cộng điểm ưu tiên là dành cho các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo điều kiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Nhưng tuyển sinh đại học với nguyên tắc đầu tiên là chọn được người giỏi, người phù hợp. Do đó với việc quy định này vô hình chung phân biệt giữa học sinh kém thì được cộng điểm ưu tiên còn học sinh giỏi lại không được cộng.
Đáng lẽ ra, điểm ưu tiên cần phải xem xét lại ở chỗ phân chia khu vực và phân chia đối tượng cho hợp lý. Tình hình kinh tế xã hội hiện nay đã thay đổi rất nhiều, sự chênh lệch về điều kiện học tập cũng đang thu hẹp, nhưng điểm ưu tiên vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử có địa phương áp dụng chung một ưu tiên khu vực cho toàn tỉnh hay học sinh dân tộc thiểu số nhưng lại có điều kiện kinh tế, điều kiện học tập hơn rất nhiều học sinh khu vực khác... Hơn nữa hiện nay các trường ĐH đã bắt đầu tự chủ trong tuyển sinh, việc ưu tiên như thế nào nên chăng hãy để các trường ĐH tự quyết định.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2023 thì các thí sinh sẽ được ưu tiên khu vực trong 2 năm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, khi ưu tiên chỉ nên ưu tiên một lần duy nhất trừ các trường hợp đặc biệt không thể tham dự kỳ thi và xét tuyển đại học ngay năm tốt nghiệp như chịu ảnh hưởng thiên tai, ốm đau, tai nạn, phục vụ trong quân đội… Bởi lẽ, với cơ chế xét tuyển đại học hiện nay, thí sinh có rất nhiều lựa chọn, việc đỗ 1 trường đại học nào đó không khó khăn. Khó ở đây là trường top, các thí sinh cũng có thể chọn học nghề nếu phù hợp.
Thứ hai, việc lựa chọn thi lại hay không nằm ở chính thí sinh, bản thân khi thi lại các em có thời gian ôn tập dài hơn, có kinh nghiệm hơn, không phải chịu áp lực nhiều môn khi còn trong trường THPT. Các em hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn nơi ôn thi, thời gian ôn thi do đó để tạo sự công bằng thì chỉ nên 1 lần cộng điểm ưu tiên".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.