83% doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn, "cạn" đơn hàng dự trữ

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 03/03/2023 15:22 PM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn, khá bất thường so với các năm trước, lý do vì "cạn" đơn hàng dự trữ.
Bình luận 0
83% doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn, "cạn" đơn hàng dự trữ - Ảnh 1.

Theo HUBA, có đến 83% doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn, "cạn" đơn hàng dự trữ. Ảnh: Quốc Hải

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh đến hết tháng 2.

Kết quả cho thấy, 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các yếu tố khó khăn, gồm: Thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận nguồn vốn (40%), lãi suất vay cao (43%), thủ tục vay vốn phức tạp và tốn nhiều thời gian (38,2%)…

"Nhiều doanh nghiệp đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, lý do vì không có đơn hàng dự trữ", báo cáo của HUBA, nêu.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý II/2022 xuống còn 65% trong quý I/2023. 

"Đây có thể là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới", HUBA lo ngại.

Trong quý II/2023, HUBA cũng dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm. Sức mua của thị trường toàn cầu vẫn ở mức thấp.

83% doanh nghiệp TP.HCM gặp khó khăn, "cạn" đơn hàng dự trữ - Ảnh 2.

Nhiều DN đang rất "khát" vốn và mong được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Ảnh: Quốc Hải

Do đó, HUBA đề nghị các doanh nghiệp linh hoạt ứng phó trong điều kiện sản xuất kinh doanh không mấy tích cực, kiểm soát tốt nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng, đảm bảo thanh khoản, giữ chân người lao động.

"Biến động trái phiếu và kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế đang bị thiếu thanh khoản. Nhà đầu tư có dấu hiệu suy giảm niềm tin vào một số ngân hàng nên khả năng huy động vốn sụt giảm, nguồn vốn bị thu hẹp.

Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra", báo cáo của HUBA chỉ rõ nguyên nhân về tình trạng khó khăn hiện nay.

Theo HUBA, lãi suất vay hầu hết đang trên 10%/năm, gây khó cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8 - 8,5%/năm.

Cùng với đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung, dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau.

Với UBND TP.HCM, HUBA kiến nghị giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, giảm thời gian làm thủ tục hành chính để đồng hành với doanh nghiệp. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về đất đai, nhà xưởng để có sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực như hiện nay.

HUBA cũng đề nghị UBND TP.HCM mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ chương trình kích cầu đầu tư, cải cách thủ tục đầu tư để doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn này thuận lợi hơn.

Đáng chú ý, HUBA kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu được gia hạn, mua lại, tất toán các khoản nợ với trái chủ. 

Theo đó, các trái phiếu có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 6 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 2 năm được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm được gia hạn 18 tháng.

Kết quả Kinh tế - Xã hội 2 tháng đầu năm tại TP.HCM đạt kết quả tích cực theo dự báo

Theo báo cáo của UBND TP, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM đạt nhiều kết quả tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319.000 lượt.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%); khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%.

TP cũng thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng 5,95%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.

Mặc dù tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng giảm mạnh về số đăng ký so với cùng kỳ (giảm 42,7%). Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1%, số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem