|
Sinh viên hệ cao đẳng nghề khóa I thực hành trên máy tại Trường Cao đẳng nghề Hà Nội. |
Đây là “lứa” đầu tiên tốt nghiệp theo hệ này, mở ra cánh cửa đào tạo nghề trình độ cao hơn cho thanh niên.
Xét tuyển nhưng phải đảm bảo chất lượng!
Thực hiện Luật Dạy nghề, từ năm 2007, 55 trường trung cấp và cao đẳng nghề tổ chức đào tạo nghề ở trình độ cao đẳng (trước đó, trình độ cao đẳng chỉ được đào tạo ở các trường thuộc Bộ GD-ĐT). Khoá học đầu tiên này thu hút 26.706 sinh viên theo học ở 7 ngành học. Trong quá trình học tập, số sinh viên “hao hụt” là 4.853 sinh viên.
Bà Võ Thị Hữu Trí - Trưởng phòng KH-ĐT, Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Ladec (Đồng Tháp) cho biết, do tâm lý người dân, nhất là thanh niên nông thôn còn chưa coi trọng học nghề, nên tuyển sinh đầu vào ở hệ cao đẳng nghề hầu hết là xét tuyển. “Nhưng dù xét tuyển, chúng tôi cũng vẫn có những bài test về trình độ để phân lớp đào tạo các em cho phù hợp”- bà Trí nói. Hiện Trường Ladec đã đào tạo xong 1.800 sinh viên hệ cao đẳng nghề cho 5 nghề gồm thiết kế đồ hoạ; điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và kế toán doanh nghiệp.
Việc tổ chức thi tốt nghiệp đầu ra cho học viên cũng đang trong quá trình hoàn thiện quy trình. Trong đó, các trường tổ chức xét, hoặc thi tốt nghiệp theo 2 hình thức: Thi theo ngân hàng đề thi chung và không thi theo ngân hàng đề thi chung. “Tuy nhiên, dù thi hay xét tuyển thì kỹ năng tay nghề là điều chúng tôi chú trọng nhất”- bà Trí bày tỏ.
Các trường sẽ phải công bố chuẩn đầu ra
Ngày 3-11, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá công tác tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa I và định hướng thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa II. Thống kê cho thấy, nhiều nghề có tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay là Điện công nghiệp (87,43%), Hàn (92,16%), Công nghệ ô tô (88,78%), Cắt gọt kim loại (86,87%), Quản trị máy tính (77,19%), Điện tử công nghiệp (82,92%), Kế toán doanh nghiệp (73,62%)…
Theo báo cáo của các trường nghề thì trong 11.369 sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp trả lương trung bình là 3,3 triệu đồng/tháng, thậm chí có nhiều sinh viên còn được doanh nghiệp trả lương 300 USD/ tháng. “Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sinh viên các trường nghề. Những con số trên đã cho thấy vai trò quan trọng của những sinh viên trường nghề trong quá trình phát triển kinh tế”- ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề cho biết.
Thời gian tới, các trường dạy nghề tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng nghề khóa II. Yêu cầu đầu tiên của Bộ LĐ-TB&XH với các trường nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng là phải nhanh chóng đầu tư trang thiết bị đào tạo, lực lượng giáo viên phải được chuẩn hóa để đáp ứng chương trình mới. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh: “Các trường phải nghiên cứu thị trường lao động, công bố những quy định chuẩn về kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và thông báo sau khi ra trường học viên sẽ đảm nhiệm được những vị trí nào trong dây chuyền sản xuất… đảm bảo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Lê Huyền – Công Trình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.