- Thưa Cậu Mẹ! Việc cưới xin của Em Quân cả nhà ta bàn bạc xong rồi, bây giờ cho phép con thưa chuyện với Cậu Mẹ về chuyện vợ chồng con.
Đúng như dự đoán của tôi, chồng tôi chưa nói dứt lời về chuyện ra ở riêng, mẹ chồng tôi bật khóc ngay trước mặt mọi người. Không khí cả gia đình chùng xuống. Cuối cùng chính mẹ chồng tôi lên tiếng trước, rằng, thôi thì đấy chỉ là giải pháp tạm thời, rằng vợ chồng tôi ra riêng không phải vì có vấn đề gì trong điều ăn điều ở...
Thực ra thì, đúng là chúng tôi ra riêng, chẳng phải là do chuyện gì to tát như là “độc lập tự do”, như các bạn tôi thường nói, chỉ là, em chồng tôi sắp cưới vợ.
Vợ chồng tôi kết hôn đã gần 5 năm và đã có một bé trai rất kháu khỉnh cũng gần 4 tuổi. Kể từ ngày lấy nhau, chúng tôi sống chung cùng Cậu Mẹ và em trai của anh. Cả nhà được căn phòng rộng và khang trang nhất, mọi người dành cho đôi tân hôn là chúng tôi ngày ấy.
Nhưng gần Tết vừa rồi, em chồng tôi xin phép lập gia đình, tôi và anh phát hoảng vì nếu chú lấy vợ, tất nhiên “đại bản doanh” sẽ phải nhường lại cho vợ chồng chú, chúng tôi sẽ chuyển xuống nhà dưới.
Vấn đề lớn nhất là đồ đạc của vợ chồng và Nhóc nhà tôi quá nhiều, chưa kể 3 cái xe máy của cả nhà cũng để trong “nhà dưới”. Làm sao mà xoay sở nổi với từng ấy thứ đồ đạc trong một diện tích chưa đầy 10 m2, chưa kể tôi đang có kế hoạch sang năm sẽ sinh em bé.
Rồi chúng tôi tìm được một căn hộ tập thể nhỏ vừa ý. Vợ chồng tôi “bí mật” cải tạo lại căn nhà xong trước Tết. Nói là “bí mật” vì vợ chồng tôi không muốn cho ông bà nội biết sớm bởi tôi hiểu mẹ chồng, bà thương tôi chẳng khác gì con đẻ và bà càng không muốn sống xa Nhóc Zimb vốn bà đã quen tiếng khóc, tiếng cười, tiếng bi bô trong gần 4 năm qua. Nếu Bà biết chuyện vợ chồng con cái tôi sắp ra riêng, Tết sẽ chẳng có ý nghĩa gì với Bà.
6.1 âm lịch, họp gia đình bàn bạc chuyện cưới xin cho chú. Xong việc, chồng tôi đặt vấn đề về việc vợ chồng tôi xin phép ra ở riêng như thế… như thế.
Thế là ra riêng!
Nói thì chẳng ai tin, mẹ chồng tôi có lẽ chỉ có một trên đời. Hằng tháng, vợ chồng tôi chẳng phải đóng một đồng nào vào ngân sách gia đình để lo việc ăn uống, điện thoại, điện thắp sáng, gas và các phụ phí khác. Thậm chí đến sữa của Nhóc Zimb bà cũng mua cho luôn. Bà thương tôi như con đẻ, có lúc chị gái của chồng tôi còn phải “ghen” với tôi.
Và khi vợ chồng tôi ra ở riêng, vì bà bán hàng ở chợ nên tất cả nồi niêu xông chảo bát đũa…thậm chí bột canh, bột ngọt và cả que tăm bà cũng sắm cả cho vợ chồng tôi.
Ngày đầu tiên ăn riêng, cảm giác buồn chông chênh khó tả. Tôi đã quen với bữa cơm gia đình đông người, có tiếng ông bà, có tiếng bi bô con trẻ. Và tôi biết, bữa cơm hôm ấy, bát cơm của mẹ chồng tôi chắc chắn có chan lẫn những giọt nước mắt.
Tôi hầu như không cảm thấy “tự do” nhiều hơn so với lúc ở chung nhà, chỉ trừ, đối với “chuyện ấy”! Tôi chẳng còn phải lo tiếng đệm giường phát ra những tiếng kêu hưởng ứng mỗi nhịp lên xuống, dù rất nhỏ nhưng cũng trở nên âm vang trong một không gian chung đụng, chồng tôi chẳng phải dùng những nụ hôn để lấp láp những âm thanh phát ra lúc “lên đỉnh” của tôi… phía bên kia bờ tường là phòng của em chồng!
Tôi cũng bắt đầu quen với việc tự mình đi chợ, chọn lựa thức ăn (điều này, hồi còn ở chung, mẹ chồng tôi đảm nhận hết vì bà buôn bán ở Chợ, còn tôi đi làm cả ngày nên bố chồng đảm nhận luôn phần vào bếp - số lần tôi vào bếp có lẽ đếm được trên đầu ngón tay!)
Những lúc này thấy nhớ mẹ chồng!
Tôi vẫn đùa với mẹ chồng tôi rằng từ hồi nào đến giờ bơi có phao thì chẳng sao. Bây giờ vừa thả phao ra để tự bơi thì vật giá leo thang chóng mặt.
Giá xăng tăng, điện tăng, gas tăng, nước tăng. Cái gì cũng tăng, chỉ mỗi lương là không tăng! Cầm 100 ngàn đi chợ cũng chỉ đủ mua 1 mớ rau ngót, 3 lạng thịt, túi cà muối, cân hoa quả mà thôi. Chưa kể cưới xin, ma chay, ủng hộ.
Tôi bắt đầu học cách từ bỏ thói quen thấy gì ưng ý, vừa mắt là rút ví dù mua về chưa chắc đã sử dụng, thay vào đó tôi tính toán xem món đồ ấy bằng bao nhiêu dây sữa, hộp sữa của con.
Tôi ít la cà vào các shop, các hiệu may hơn trước, thay vào đó tôi chăm chỉ làm thêm. Buôn điện thoại ít hơn, trời tối hẳn mới bật đèn và cũng chỉ dùng tối đa 2 bóng tiết kiệm điện cùng lúc, nước rửa rau, giặt đồ lượt cuối thì để dành để còn rửa cái này cái nọ… Nói chung là tiết kiệm tới mức tối đa.
Tự dưng tôi sống “người lớn” hẳn.
Dường như đó mới là ý nghĩa lớn nhất mà cuộc sống dạy cho tôi khi ra riêng.
Theo Lửa Ấm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.