9 thửa đất ở 1 thôn của cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết bị kê biên trong vụ Khu đô thị du lịch biển

Mai Hương Thứ năm, ngày 07/11/2024 08:37 AM (GMT+7)
Cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết (Bình Thuận) Đỗ Ngọc Điệp đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an kê biên 9 thửa đất khi điều tra vụ án liên quan Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Bình luận 0

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án liên quan dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Theo kết luận điều tra mà đơn vị này mới ban hành, trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã ra lệnh kê biên nhiều tài sản, diện tích đất của các bị can để đảm bảo khắc phục hậu quả trong vụ án.

Trong số 17 bị can, bị can Đỗ Ngọc Điệp – cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, nguyên thành viên Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra kê biên 9 thửa đất và tài sản gắn liền với đất.

Theo tài liệu, cả 9 thửa đất này đều nằm ở thôn Tiến Phú (xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết), có tổng diện tích là 4.230m2.

Về nội dung vụ án, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Đỗ Ngọc Điệp trên cương vị là Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết, được Lê Tiến Phương – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tỷ lệ 1/500 và thành viên Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận.

Điệp là người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế, đất đai, đầu tư, quy hoạch - xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất.

9 thửa đất ở cùng 1 thôn của cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết bị kê biên trong vụ Khu đô thị du lịch biển- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp bị kê biên 9 thửa đất với tổng diện tích 4.230m2 trong vụ án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ảnh: DV

Trên cương vị là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, khi nhận được phương án giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Đỗ Ngọc Điệp cùng với các thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tham dự đầy đủ các cuộc họp do Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính, Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh chủ trì để thẩm định giá đất tại dự án về 3 nội dung:

Thẩm định việc áp dụng nguyên tắc xác định giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai trong xây dựng phương án giá đất; Thẩm định việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất theo quy định; Thẩm định tính trung thực, khách quan của các thông tin, số liệu về thửa đất, giá đất thị trường đưa vào tính toán trong xây dựng phương án giá đất".

Để sau đó Nguyễn Văn Phong, Hồ Lâm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Xà Dương Thắng - Giám đốc Sở Xây dựng cùng ký Văn bản số 4971/LS- TNMT-XD-HĐGĐ ngày 08/10/2015 tham mưu cho Lê Tiến Phương ký ban hành Văn bản số 3601/UBND-ĐTQH ngày 13/10/2015, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về phương án giá đất dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định pháp luật.

Cơ quan điều tra nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận đã ban hành Kết luận số 01-KL/TU ngày 02/11/2015, yêu cầu UBND tỉnh này cần lưu ý chỉ đạo các nội dung: 

"Xác định rõ thời gian thực hiện dự án để tính toán số năm được chiết khấu theo phương pháp thặng dư cho đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng xã hội và nhà đầu tư; Tính toán tỷ lệ đất được bán hàng năm đảm bảo thực tế; cần tách riêng đất xây nhà cao tầng với các loại đất khác để tính giá và xác định suất đầu tư kết cấu hạ tầng khu đô thị du lịch biển phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương".

9 thửa đất ở cùng 1 thôn của cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết bị kê biên trong vụ Khu đô thị du lịch biển- Ảnh 2.

Khi điều tra sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên của Nguyễn Văn Thọ (Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam) 10 thửa đất ở các tỉnh Long An, TP.Hồ Chí Minh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương 5 thửa, tổng diện tích các thửa là 5796,1m2. Ảnh: Dân Việt

Sau đó UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 3995/UBND- ĐTQG ngày 04/11/2015, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, số liệu, phương án giá đất trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật, yêu cầu đảm bảo 3 nội dung lưu ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh chủ trì nghiên cứu, rà soát thật kỹ các quy định hiện hành của nhà nước về giá đất để tổ chức thẩm định, đảm bảo chặt chẽ, hợp lý các khâu, các bước trong quá trình xác định giá đất đối với dự án.

Biết đơn vị tư vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường không thực hiện chỉ đạo của an Thường vụ Tỉnh ủy, vẫn dự thảo phương án giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2,577 triệu đồng/m2, Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình và kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh thẩm định phương án giá đất Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, với giá 2,577 triệu đồng/m2, bằng với giá đất đã xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận, trái quy định pháp luật và kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nhưng Điệp vẫn cùng các thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thống nhất phương án giá đất tại dự án với giá 2,577 triệu đồng/m2 tại cuộc họp ngày 19/11/2015.

Sau đó để Nguyễn Văn Phong ký Công văn số 5764/CV-HĐTĐ, thống nhất phương án giá đất Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, với giá 2,577 triệu đồng đồng/m2, làm căn cứ cho Hồ Lâm – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình ngày 20/11/2015, đề xuất Lê Tiến Phương ký ban hành Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015, phê duyệt giá tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2,577 triệu đồng/m2, trái quy định tại khoản 3, Điều 108 Luật đất đai năm 2013; khoản 4, Điều 4 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ; điểm b, khoản 1, Điều 3 và khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 6 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gây thiệt hại 308.865.577.500 đồng cho ngân sách Nhà nước.

Cơ quan điều tra cáo buộc, hành vi của Đỗ Ngọc Điệp đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Trong quá trình điều tra, Đỗ Ngọc Điệp thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, không có tài liệu về động cơ vụ lợi của Đỗ Ngọc Điệp.

9 thửa đất và tài sản gắn liền với đất của Đỗ Ngọc Điệp bị kê biên gồm:

(1) 1030,0 m2 nhà, đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(2) 1024,0 m2 nhà, đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(3) 432,0 m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(4) 656 m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(5) 528,0 m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(6) 224 m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(7) 176m2 tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(8) 80 m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi;

(9) 80m2 đất tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi, theo Lệnh kê biên số 1806/LKB-VPCQCSĐT ngày 18/9/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Người bị kê biên nhiều thửa đất và tài sản trên đất nhất là Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam.

Thọ bị kê biên 10 thửa đất, tổng diện tích hơn 5,4 nghìnn m2 ở các tỉnh Long An (8 thửa đất ở huyện Cần Đước), TP.Hồ Chí Minh (2 thửa).

Với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương, ông này bị kê biên 5 thửa đất, tổng diện tích các thửa là 5796,1m2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem