Ác mộng tệ nhất của Mỹ: Đánh nhau với Nga, TQ cùng lúc

Quang Minh – Tổng hợp Thứ ba, ngày 11/04/2017 19:10 PM (GMT+7)
Đại chiến Thế giới lần thứ 3 có thể nổ ra giữa Mỹ và liên minh quân sự Nga-Trung Quốc, điều mà Mỹ không hề mong muốn.
Bình luận 0

img

Ngày 7.4 (giờ Việt Nam) Mỹ bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria khiến Nga "nóng mắt"

Nhiều nhà quan sát trên thế giới nhận định cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Nga-Mỹ đang căng thẳng không kém gì thời Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, đồng minh của Nga, Iran. Mỹ cũng có thể sẽ xung đột với Trung Quốc nếu giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng vũ lực. Loạt bài này sẽ điểm một số kịch bản có thể xảy ra nếu những cuộc đối đầu gay cấn dẫn bùng nổ thành chiến tranh.

Những năm cuối thế kỷ 20, Mỹ từ bỏ một học thuyết quân sự có tên “Hai cuộc chiến” và đây từng được xem là bộ khung chuẩn bị cho một cuộc chiến khu vực xảy ra đồng thời. Mục tiêu của chiến lược này là trong khi Mỹ tham chiến ở Iran hoặc Iraq thì vẫn đủ sức ngăn chặn Triều Tiên phát động một cuộc chiến tranh tổng lực.

Chiến lược này giúp cường quốc quân sự hàng đầu thế giới giải được bài toán hậu cần, kho vận, vũ khí và quân sự trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và nhất là khi “mối đe dọa” Liên Xô không còn. Mỹ cũng bỏ ngỏ học thuyết “Hai cuộc chiến” một phần vì sự thay đổi của hệ thống toàn cầu và sự tăng lên đáng kể về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mạng lưới của các tổ chức khủng bố quy mô lớn và hiệu quả cũng là điều cần phải quan tâm.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ phải tham chiến hai trận đánh lớn cùng lúc với những đối thủ không phải là Triều Tiên hay Iran? Kịch bản tồi tệ nào xảy ra nếu Nga-Trung Quốc “liên thủ” để tấn công tổng lực vào quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương và châu Âu?

Hợp tác chính trị

img

Liệu Bắc Kinh và Moscow có thể hợp sức để buộc Mỹ phải có hai cách ứng phó khác nhau về mặt chính trị? Có thể là không. Mỗi quốc gia có một mục tiêu riêng và cách thức thực hiện khác nhau. Ngoài ra, Nga hoặc Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình xung đột hai bên để chiếm thêm lợi ích về đất đai, lãnh thổ. Chẳng hạn, Nga sẽ chiếm hết vùng biển Baltic nếu Mỹ đang tham chiến với Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, trận đại chiến tạo ra thế chân kiềng cho ba bên.

Trong tình thế chiến tranh nổ ra, cả Bắc Kinh và Moscow đều có quyền tự quyết ngang nhau khi nào thì nên lâm trận. Mỹ vẫn mong muốn một hiện trạng chính trị như thời điểm này và sử dụng các biện pháp ngoại giao, kinh tế để theo đuổi các mục tiêu chính trị cuối cùng.

Sự linh hoạt

img

Sẽ rất khó có khả năng cuộc chiến giữa Nga-Trung Quốc và Mỹ diễn ra ở hai mặt trận Thái Bình Dương và châu Âu cùng lúc. Thời Thế chiến 2, quân Mỹ chấp nhận bảo vệ châu Âu trong khi Hải quân dồn sức ở Thái Bình Dương. Không quân Mỹ đóng vai trò yểm trợ cả hai mặt trận.

Nga không đủ khả năng tiêu diệt NATO ở vùng biển bắc Đại Tây Dương và không có ý muốn chính trị thử sức tại đây. Do đó, Mỹ và đồng minh NATO có thể phân bố đủ nguồn lực để giải quyết bài toán khó mang tên Nga tại châu Âu và đảm bảo không bị máy bay Nga tấn công. Ngược lại, Hải quân Mỹ dư sức tập trung chiến đấu ở Thái Bình Dương.

Nếu cuộc chiến ở Đại Tây Dương kéo dài và mức độ leo thang ngày một tăng, Mỹ có thể dồn quân tới châu Âu ứng cứu. Tại Thái Bình Dương, lượng lớn tàu sân bay, tàu ngầm và tàu mặt nước sẽ có mặt và đánh nhau với Trung Quốc. Máy bay tấn công đường dài, máy bay ném bom tàng hình và các loại vũ khí tương tự sẽ được sử dụng ở hai chiến trường cùng lúc.

Áp lực lớn của quân đội Mỹ khi đánh nhau là phải giành chiến thắng ở ít nhất một mặt trận càng sớm càng tốt. Điều này đồng nghĩa quân Mỹ sẽ phải dồn lực lượng không quân, hải quân và chiến tranh mạng nhằm đạt được lợi thế chính trị và chiến lược. Sau khi giành được ưu thế, lực lượng này sẽ dồn sang chiến trường còn lại và giải quyết xung đột ở Thái Bình Dương.

Cấu trúc liên minh

img

Cấu trúc liên minh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương rất khác ở châu Âu. Mặc dù châu Âu lo ngại về cam kết dài lâu của Mỹ ở khu vực nhưng Washington vẫn không có lí do gì để chủ động đánh Nga và chối bỏ mối quan hệ bấy lâu với NATO. Nếu Mỹ tham chiến, Đức, Pháp, Ba Lan và Anh sẽ nhảy vào.

Theo kịch bản chiến tranh truyền thống nhất, riêng liên minh quân sự ở châu Âu cũng đủ sức giúp NATO tạo ra lợi thế lớn trước Nga. Moscow có thể chiếm một phần biển Baltic nhưng sẽ chịu tổn thất nặng nề từ sức mạnh của không quân NATO và không thể duy trì sự hiện diện lâu dài ở vùng biển này.

Trong bối cảnh đó, hải quân và không quân NATO sẽ tạo ra lợi thế lớn từ sự hiệp đồng binh chủng và đánh bại Nga trong thời gian ngắn. Lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ sẽ tạo lá chắn lớn giúp ngăn ngừa khả năng Nga tấn công bằng vũ khí chiến lược hoặc chiến thuật.

Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn ở Thái Bình Dương khi cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có lợi ích tranh chấp ở Biển Đông. Điều này có thể khiến các cường quốc này nhảy vào cuộc chiến. Ngoài ra, Trung Quốc có thể thành lập liên minh quân sự ở Biển Đông để đánh Mỹ.

Cú đấm cuối cùng

img

Mỹ có thể tham chiến và giành chiến thắng ở hai cuộc chiến lớn cùng lúc hoặc ít nhất có được lợi thế đủ lớn trước Nga-Trung Quốc. Theo tờ National Interest, Mỹ đủ sức thắng cuộc chiến “ác mộng” này vì đây là quân đội hùng mạnh nhất thế giới và có trong tay những liên minh quân sự đáng tin cậy. Nga, Trung Quốc đều có vấn đề quân sự riêng và sẽ là điểm yếu để Mỹ khoét sâu. Nhưng dù cuộc chiến có nghiêng về bên nào, hậu quả mà thế giới gánh chịu sẽ là vô cùng khủng khiếp.

______________________________

Nếu đại chiến xảy ra, quân đội Mỹ-Nga sẽ sử dụng những vũ khí tối tân đến mức nào? Đón đọc kì 2 "10 loại vũ khí hủy diệt Nga-Mỹ có thể dùng để tấn công nhau".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem