Addy Trần: Đạo nhạc hay cách làm nhạc hiện nay đã khác

Thủy Vũ Chủ nhật, ngày 28/02/2021 07:07 AM (GMT+7)
Là một ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác thuộc thế hệ trẻ, Addy Trần chia sẻ về những điểm khác trước trong cách làm nhạc hiện nay và khẳng định Sơn Tùng MTP không đạo nhạc.
Bình luận 0

Addy Trần tên thật là Trần Tuấn Anh, sinh ngày 25/11/1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh là ca sĩ hát thành công thể loại nhạc rap.

Bên cạnh hát rap anh còn sáng tác nhạc. Anh đứng sau các ca sĩ nổi tiếng với phần lớn các ca khúc của Mi.A, 365Daband, Ngô Thanh Vân, Hồ Ngọc Hà, Bảo Thy, Dương Thiệu Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Andree và sản xuất các album rap của các Rapper nổi tiếng khác.

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Addy Trần về cách làm nhạc của thế hệ trẻ và quan điểm của anh về vụ Sơn Tùng MTP cùng vụ việc ca khúc "Chúng ta của hiện tại" bị tố đạo nhạc.

Xin chào nhạc sỹ Addy Trần, một số ca khúc hiện nay bị coi là đạo nhạc. Vậy theo bạn lí do nào dễ dẫn đến điều này?

Thực ra chuyện này liên quan nhiều đến công nghệ làm nhạc và quan điểm chưa thông suốt. Trước đây người ta cũng đã từng sử dụng những bản nhạc điện tử của nước ngoài để từ đó viết ra một bản nhạc rồi hòa âm lại. Trên thế giới cũng đã làm như vậy. Đó là một việc không có gì xa lạ với những người đã làm nhạc. Có điều hiện nay phần nhạc mà chúng ta có thể tham khảo, sử dụng đã đa dạng hơn.

Các beat nhạc thường được thiết kế sẵn, rao bán hoặc cả không bán trên các trang wed trực tuyến. Và một beat nhạc có thể được rất nhiều người mua, họ đem về xử lý theo những hướng họ thích. Thậm chí có cả việc mua một câu nhạc, một giai điệu hay một vài nốt mà người dùng cảm thấy thú vị và họ thỏa thuận được với bên kia thì hoàn toàn có thể dùng để đưa vào bài hát của mình. Công nghệ làm nhạc cũng hiện đại hơn cho phép chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm ưng ý nhất.

img

Tại sao các nhạc sỹ ở giai đoạn trước ít dính đến các nghi án đạo nhạc?

Đơn giản là vì công nghệ internet trước kia chưa mấy phát triển. Một sản phẩm âm nhạc phải ra bằng đĩa CD, cấp bản quyền rồi mới có thể tiếp cận được với khán giả. Trong khi đó các bản gốc cũng không dễ gì có thể tìm thấy.

Hiện nay tất cả đều đã có trên mạng luôn trong trạng thái sẵn sàng để người ta có thể nghe, tìm kiếm và đối chiếu. Và tai hại ở chỗ họ cứ thấy giống thì bảo là đạo trong khi giống vậy thôi nhưng thực chất đó là những phiên bản khác xa nhau… Vì thế công nghệ ngày nay cho các nhạc sỹ cơ hội học hỏi nhưng cũng khó tránh được việc kiện tụng liên quan đến bản quyền.

Nhưng rõ ràng là có những người đã lạm dụng quá mức nên mới bị "gắn mác" đạo nhạc như vậy?

Chuyện này thì tôi cũng xin nói thêm về việc liên quan tới Sơn Tùng MTP vừa qua. Dù mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa và MV "Chúng ta của hiện tại" đã xuất hiện trở lại trên Youtube rồi, chúng tôi vẫn muốn nói cho mọi người thấy đó không phải là đạo nhạc.

Như tôi đã nói phần hòa âm (beat nhạc) được mua và sử dụng và biến đổi, trên thế giới người ta cũng đã sử dụng từ rất lâu và rất nhiều rồi. Ngay cả Hàn Quốc cũng phải học hỏi cách làm đó dù nhạc của họ khá là mạnh. Việt Nam mình cũng không thể đi ra ngoài dòng chảy đó được. Điều đặc biệt là Sơn Tùng MTP bắt "trend" khá nhanh với các tiêu chuẩn mới, các xu hướng thịnh hành.

Các bài hát thường có yếu tố của các nhạc phẩm đình đám trước đó vì bạn đã sử dụng beat nhạc cũ. Tuy nhiên đây không thể coi là đạo nhạc. Vì như tôi đã nói ban đầu nếu dùng beat nhạc để viết ra giai điệu khác, dùng cách hòa âm khác đó là điều được chấp nhận.

img

Addy thấy vai trò của khán giả như thế nào với những nghi án sao chép nhạc thế này?

Tôi nghĩ cần có những quy định về luật pháp rõ ràng để chúng tôi biết được mình được làm gì và hạn chế đến đâu. Khi có tranh chấp sẽ được sáng tỏ để khỏi bị hiểu lầm cũng như đảm bảo quyền lợi. Còn các khán giả đánh giá đôi khi cũng không hẳn chính xác.

Đấy là chưa kể ca sỹ nghệ sĩ nào cũng có fan và anti-fan. Fan thì họ sẽ lắng nghe còn anti-fan thì họ đã ghét sẵn nên nhân cơ hội này họ sẽ tiếp tục gây sức ép. Và mọi điều đều có thể bị đẩy đi quá xa. Qua đây tôi cũng xin lưu ý mọi người rằng, trước mỗi nghi ngờ chúng ta nên lắng nghe xem "nạn nhân" dẫn giải ra sao. Chứ phán xét, buộc tội trong khi chính chủ chưa hề lên tiếng phủ nhận hay khẳng định.

Dòng nhạc trẻ Việt Nam hiện nay đang ở vị trí nào trên thị trường khu vực và thế giới, Addy có thể chia sẻ không?

Nhờ cóTik Tok, YouTube nhạc trẻ Việt Nam bước đầu tiếp cận được với khán giả nước ngoài. Nhưng để nói là có vị trí nào đó thì mình chưa làm được. Một số ca sỹ như Nguyễn Trần Trung Quân đã có một lượng khán giả Trung Quốc theo dõi.

Ca khúc hiếm hoi "Hai phút hơn" của Pháo đã lọt vào bảng xếp hạng 20 ca khúc được nghe nhiều của thế giới, Sơn Tùng cũng có được chú ý nhất định... Con đường âm nhạc của các ca sỹ Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai do chúng ta chưa chi tiền cho việc nghe nhạc. Ca sỹ phải sống bằng quảng cáo là chính vì khán giả nghe online miễn phí là nhiều.

Không chỉ MV "Chúng ta của hiện tại" của Sơn Tùng - MTP mới dính nghi án đạo nhạc mà cả những nhạc phẩm trước đó như "Chúng ta không thuộc về nhau" cũng đã bị coi là quá giống với một nhạc phẩm quốc tế, bạn nghĩ sao về điều này?

Có nhiều bài bị cho là giống như vậy có lẽ tôi sẽ nói về việc nhiều ca sỹ hiện nay phải xác định đường đi cho bài hát của mình ngay từ khi nó chưa được làm xong.

Khi đó sẽ có rất nhiều phần công việc phải xác định rõ. Với Sơn Tùng - MTP tôi biết bạn ấy đã dựa vào tiêu chí được cho phép như là trên một beat cũ nhưng dùng một nhạc cụ khác hoặc vẫn nhạc cụ đó nhưng chơi theo cách khác đi.

Giai điệu được viết mới, tiết tấu được hình thành sau đó mới hòa âm lại. Hai bản nhạc được coi là giống nhau khi phải trùng đến 7 nốt về nhịp và phách, trùng giai điệu hoặc ca từ. Ở đây không xảy ra trường hợp như vậy nên không thể coi cậu ấy đạo nhạc.

Theo bạn điều gì dễ gây ra các rắc rối cho Sơn Tùng - MTP ?

Việc bắt trend hơi quá và đôi khi cũng chủ quan là một ví dụ.

Cảm ơn Addy Trần!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem