Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ trẻ thành công trong việc gây dựng hình ảnh cho các ca sĩ như: Khánh Phương với "Chiếc khăn gió ấm", Akira Phan với "Mùa đông không lạnh", Tần Khánh với "Chuyện tình dưới mưa", The Men với "Em luôn ở trong tâm trí anh"...
Anh đã có sự hợp tác với nhóm GMC, Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc mà điển hình là các ca khúc hit "Đêm trăng tình yêu", "Vầng trăng khóc". Các album "Cơn mưa bắt đầu tình yêu", "Tình anh vẫn như thế" (Nhật Tinh Anh), "Ngỡ như giấc mơ", "Tình pha lê" (Khánh Ngọc).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đưa ra quan điểm của mình về vấn nạn đạo nhạc cũng như câu chuyện bị đạo nhạc của chính mình.
Đạo nhạc cần phân định ở phần nào để quy trách nhiệm
Đâu là cách để nhận ra một ca khúc bị đạo nhạc, thưa nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung?
- Một ca khúc bị gọi đạo tùy thuộc vào sĩ diện của người nghệ sĩ đó. Lòng tự tôn về nghề của họ ở mức nào, chỉ có họ mới biết họ đạo hay không. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận có lúc ca khúc bị trùng giai điệu, nhưng hiếm có điều này. Nên việc người khác phán xét đạo nhạc chỉ là tương đối.
Ví dụ, đạo về nội dung, ý nghĩa như có một bài nhạc đang "hot" sẽ có đoạn nhạc "hot" thì họ lấy lại style như vậy. Ví như "Mùa đông không lạnh" thành "Mùa hè không nóng" hay "Con đường mưa" thì có người sáng tác "Con đường mưa" 2,3...
Có khi đạo về ca từ như một nhạc sĩ thấy bài thơ hay họ viết lại thành bài hát và không có sự đồng ý của nhà thơ thì gọi là đạo. Về giai điệu, người nhạc sĩ có độ cảm âm rất tốt nên khi họ đàn thì vô tình trùng với một đoạn nhạc họ từng nghe rất lâu mà họ không nhớ rõ cũng dễ bị nhầm là đạo nhạc.
Ở Việt Nam, phần lời và giai điệu thường là của một nhạc sĩ khác với hòa âm. Nhạc sĩ hòa âm là người luôn cần cập nhật kiến thức mới để hòa âm hay hơn. Có thể do đôi khi họ nghe những beat mới trên mạng, beat được rao bán và mua thì hợp pháp nhưng có khi họ nghe rồi họ lấy ý tưởng đó làm thành bài thì sự giống nhau là lỗi do nhạc sĩ hòa âm chứ không phải lỗi nhạc sĩ sáng tác.
Thế nên, trong một bài nhạc bị gọi là đạo nhạc thì cần phân định rõ đạo ở phần nào rồi quy trách nhiệm. Nếu đạo về beat nhạc hay lời ca thì dễ vì có nguồn gốc so sánh. Về giai điệu thì rất khó để nói người nhạc sĩ đó có đạo nhạc hay không.
"Một ca khúc bị gọi đạo tùy thuộc vào sĩ diện của người nghệ sĩ đó. Lòng tự tôn về nghề của họ ở mức nào, chỉ có họ mới biết họ đạo hay không", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Nếu ca khúc có beat giống nhau thì có gọi là đạo nhạc không?
- Chưa chắc gọi là đạo nhạc, vì một nhạc sĩ chuyên làm beat nhạc có thể bán 1 beat cho nhiều nhạc sĩ. Mỗi nhạc sĩ sáng tác ra nhiều bài hát khác nhau. Những bài này có chung 1 bài beat. Ví dụ dễ nhớ nhất là khi đi dự tiệc cưới, khách mời rất dễ lên hát với ban nhạc vì có 1 beat quen thuộc nhưng người nhạc công có thể đánh ra nhiều bản nhạc khác nhau như: "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", "60 năm cuộc đời"...
"Tôi từng bị đạo nhạc nhưng không muốn truy cứu vì mất thời gian"
Vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả gần đây được nhắc nhiều nhưng các nhạc sĩ vẫn phải lên tiếng khi bỗng dưng… bị đạo nhạc. Là một nhạc sĩ từng bị sử dụng nhiều tác phẩm và phải lên tiếng về bản quyền, anh nghĩ có giải pháp nào triệt để vấn đề này không?
- Tôi thường xuyên bị sử dụng tác phẩm trái phép. Ví dụ như "Vầng trăng khóc" bị bên Trung Quốc, Campuchia dịch sang tiếng nước họ cho ca sĩ hát. Còn đạo nhạc thì tôi bị nhạc sĩ khác viết lại bài hát theo ý tưởng của mình. Như mới Tết vừa rồi một bạn nhạc sĩ dùng hợp âm, ca từ bài hát của tôi vào sáng tác của họ.
Khi nghe là thấy y chang bài của tôi nhưng tôi không truy cứu vì mất thời gian mà tôi chỉ viết một bài trên trang cá nhân thôi. Bởi, tôi nghĩ họ đã sử dụng bài của mình thì mình nói họ cũng sẽ chối cãi.
Việc mua bán beat hay bài hát diễn ra công khai và trên phần credit có ghi tên người sáng tác thì đó là sự tôn trọng nhân thân và bản quyền của người sử dụng sản phẩm.
"Khi nghe là thấy y chang bài của tôi nhưng tôi không truy cứu vì mất thời gian mà tôi chỉ viết một bài trên trang cá nhân thôi. Bởi, tôi nghĩ họ đã sử dụng bài của mình thì mình nói họ cũng sẽ chối cãi", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ.
Nhiều người giàu có trở thành đại gia nhờ bán beat nhạc cho ca sĩ nổi tiếng, anh có ý kiến gì về vấn đề này? Anh có là người chuyên sản xuất beat nhạc chứ?
- Bán beat nhạc là việc cá nhân và nhiều producer đang làm. Còn tôi là nhạc sĩ sáng tác nhạc và lời chứ không chuyên sản xuất beat nhạc để bán.
Năm 2008, Nguyễn Văn Chung bị nghi ngờ đạo nhạc khi trên mạng xuất hiện hai ca khúc, một là "Ua Ib Siab Mog" (ca sĩ Paj Huab Lis và Muaj Kôb Lauj) của Thái Lan và hai là "Fa Pen Pa Yan" của Lào giống hệt "Vầng trăng khóc" (Nhật Tinh Anh – Khánh Ngọc thể hiện). Nhưng ca khúc "Ua Ib Siab Mog" lại không được thể hiện bằng tiếng Thái Lan mà bằng tiếng H'Mông.
Phía nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định, ca khúc "Vầng trăng khóc" là ca khúc do anh tự sáng tác. Anh còn gửi công văn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và một số tờ báo lớn để làm rõ việc này.
Điều đáng nói là hai ca khúc nước ngoài kia đều được công bố vào đầu năm 2008 - sau khi "Vầng trăng khóc" phát hành. Ngoài tên bài hát và tên ca sĩ thể hiện được viết rõ ràng thì cả "Fa Pen Pa Yan" lẫn "Ua Ib Siab Mog" đều không ghi tên tác giả. Và đó chính là điều khó có thể xác minh ca khúc nào có trước, ca khúc nào có sau và ai "đạo" của ai.
Thế nhưng, cư dân mạng lại có thêm một nghi ngờ mới khi "Vầng trăng khóc" gần giống" với "một câu huýt sáo" của nhân vật chính Duke Nukem trong game Nintendo (phát hành 1991 và được "tái sinh" vào năm 1996)... Nói về điều này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Ca khúc "Vầng trăng khóc" hoàn toàn là do tôi sáng tác và tôi cũng không lấy ý tưởng từ bất cứ game nào cả. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên".
Tháng 9/2011, Nguyễn Văn Chung đã công bố việc Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời CISAC và Hiệp hội Nhạc sĩ và Nhà sản xuất Âm nhạc Singapore (COMPASS) xác nhận ca khúc "Vầng trăng khóc" của Nguyễn Văn Chung xuất hiện đầu tiên.
Những clip và album có phiên bản giống bài "Vầng trăng khóc" của các ca sĩ Lào, Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc xuất hiện sau đó đều không ghi tên tác giả. Tại Singapore, COMPASS đã chính thức cập nhật ca khúc "Vầng trăng khóc" với tên tác giả là Nguyễn Văn Chung trong phần mềm lưu trữ và quản lý thông tin toàn bộ ca khúc khu vực châu Á - MIS@ASIA - với mã số 6558306.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.