Hội thảo “Vai trò của Agribank về tín dụng và dịch vụ ngân hàng trên địa bàn TP.HCM” vừa được tổ chức ngày 21.12.2012 tại TP.HCM với một thông điệp mạnh mẽ của TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank: “Chúng tôi cam kết đồng hành về tín dụng và dịch vụ ngân hàng với tất cả các chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn của TP.HCM”.
Hội thảo do Agribank và báo Sài Gòn giải phóng phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TS. Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, TS. Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM và ông Lê Tiền Tuyến - Phó TBT báo Sài Gòn giải phóng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, theo bà Nguyễn Thị Hồng, vấn đề cần được làm rõ là làm thế nào để cung ứng vốn nhiều hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Agribank và các ngân hàng trên địa bàn sẽ tháo gỡ cơ chế ra sao để tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; tăng nguồn vốn trung, dài hạn để cho vay phát triển hạ tầng nông thôn?
Gợi ý về hướng phát triển, bà Hồng cho biết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX đã xác định chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố là 1 trong 6 chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015; trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng gắn liền với đặc trưng của một đô thị lớn là nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.
TS. Trần Du Lịch nói ông rất ấn tượng với hội thảo này, bởi lẽ không chỉ thảo luận, “nói nhau nghe rồi để đó”, nhiều hành động cụ thể và thiết thực được tiến hành ngay tại Hội thảo. Đó là 7 văn bản thỏa thuận hợp tác, hợp đồng tín dụng đã được Agribank ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp của TP.HCM; là số tiền 30 tỷ đồng Agribank ủng hộ các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM ngay tại Hội thảo; cũng như nhiều vướng mắc cụ thể của khách hàng cũng được người đứng đầu Agribank - TS. Nguyễn Ngọc Bảo chỉ đạo giải quyết ngay.
Từng tham gia xây dựng quy hoạch phát triển TP.HCM, TS. Trần Du Lịch nói một cách hình tượng rằng nông nghiệp của TP.HCM phát triển trên “3 chân”.
Thứ nhất là thành phố đi đầu ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp kỹ thuật cao để tạo giống cây, giống con cho vùng và cả nước. Thứ hai, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Thứ ba, nông nghiệp TP.HCM là nông nghiệp đô thị, chính vì thế mục tiêu là làm sao biến ngoại thành thành những khu vườn nghỉ dưỡng, gắn với phát triển du lịch. Trên cơ sở định hướng phát triển như vậy, ông Lịch cho rằng Agribank nên bám sát vào 3 lĩnh vực trên, lên kế hoạch phát triển tín dụng cụ thể cho từng mảng.
Ngược lại, TP.HCM cũng nên có giải pháp hỗ trợ ngân hàng, chẳng hạn ở địa bàn nông thôn cấp huyện, tiền nhàn rỗi của hệ thống Kho bạc Nhà nước nên gửi ở Agribank, tạo thêm nguồn vốn phục vụ phát triển “tam nông”. Về dịch vụ, theo ông Lịch Agribank nên mở rộng hệ thống tài khoản giao dịch với các hộ nông dân: “Làm sao để tiền nhàn rỗi của các hộ nông dân có thể lưu chuyển hàng ngày qua giao dịch với Agribank. Qua đó, tạo nên hệ thống khách hàng tin cậy thông qua giao dịch 2 chiều, và tiến tới trong quan hệ tín dụng không cần phải có tài sản thế chấp mà vẫn bảo đảm an toàn”.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Bảo, trong thời gian tới Agribank xác định tiếp tục giữ vững vị thế, phát huy vai trò quan trọng của ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu tại TP.HCM, khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực này thông qua ưu tiên đẩy mạnh đầu tư tín dụng gắn với các chương trình, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và cấp ủy, chính quyền địa phương. Tập trung ưu tiên đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tăng trưởng hàng năm 15% - 17%. Phấn đấu đến năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP.HCM chiếm khoảng 50% tổng dư nợ, với cho vay nông nghiệp nông thôn, đạt khoảng 40.000 tỷ đồng; riêng đối với các huyện ngoại thành, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm bình quân 65% tổng dư nợ.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng, ngân hàng và các cấp chính quyền thành phố cần phải đổi mới cơ chế, thủ tục và đề ra những giải pháp đồng bộ, có tính chiều sâu nhằm tăng quy mô nguồn vốn và tập trung nguồn vốn với lãi suất thấp cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Ông Phụng nêu ra 4 kiến nghị: Cho phép người dân vay bổ sung để mua máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... chỉ cần có xác nhận của chính quyền địa hương và ngân hàng căn cứ vào số tài sản thế chấp cũ; ngân hàng cần mạnh dạn cơ cấu lại nợ vay cho nông dân và xem xét giảm, giãn nợ đối với các khoản cho vay với lãi suất cao trước đây; phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống của Hội Nông dân và hệ thống Agribank; đẩy mạnh liên kết “4 nhà”.
Trong khi đó, ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT TP.HCM đề nghị Agribank rà soát, điều chỉnh cơ chế phối hợp giữa các bên trong việc thực hiện chính sách, nhất là các thủ tục chi trả kinh phí hỗ trợ lãi vay từ ngân sách cho ngân hàng, đảm bảo đầy đủ và kịp thời.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay việc các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn do không có tài sản đảm bảo tiền vay theo qui định của ngành ngân hàng. Do đó, trong thời gian tới cần phát huy vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân cần vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo tiền vay.
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Bảo yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh của Agribank tại TP.HCM ngay sau buổi hội thảo phải bắt tay vào làm mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ.
Thứ nhất, năm 2013 xác định rõ tỷ trọng cho vay “tam nông” trong tổng dư nợ. Thứ hai, bám sát vào định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố để xây dựng các chương trình tín dụng phù hợp. Đặc biệt là các chi nhánh trên địa bàn các huyện cần mở ngay hội nghị khách hàng hộ nông dân, mời lãnh đạo địa phương chủ trì; điều tra kinh tế địa bàn, xác định rõ nhu cầu vay vốn, dịch vụ phù hợp, bảo đảm lưu chuyển dòng tiền. “Ngân hàng phải cùng chung nhịp thở với hộ sản xuất” - ông Bảo nhấn mạnh.
Yêu cầu các chi nhánh làm tốt công tác tư vấn cho khách hàng; rà soát lại toàn bộ thủ tục để cải tiến; làm rõ các thủ tục xem điểm nào bất hợp lý để xóa bỏ, tiết kiệm thời gian cho khách hàng; “Agribank bảo đảm không để hộ nông dân nào có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả mà thiếu vốn” - TS. Nguyễn Ngọc Bảo cam kết.
Hoàng Ngọc Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.