Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đồng hành cùng nông dân Cà Mau

Hồng Cẩm Chủ nhật, ngày 25/08/2024 16:10 PM (GMT+7)
Là ngân hàng gắn với sứ mệnh đồng hành, phát triển "Tam Nông", nguồn vốn của Agribank luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính từ nguồn vốn đó mà ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bình luận 0

Phóng viên Dân Việt ghi nhận thức tế những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả của nông dân tỉnh Cà Mau từ nguồn vốn của Agribank CN tỉnh Cà Mau.

Bài 1: Agribank CN tỉnh Cà Mau hỗ trợ nông dân huyện Phú Tân phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

Tỉnh Cà Mau hiện có trên 278.000ha nuôi tôm, trong đó huyện Phú Tân có gần 36.900ha. Đặc thù của mô hình nuôi tôm, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh cần nhiều vốn đầu tư. Nắm bắt được nhu cầu đó Agribank CN huyện Phú Tân đã luôn ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện để người dân thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế.

Kịp thời đầu tư vốn

Nếu như hơn 10 năm trước, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh toàn huyện Phú Tân chỉ có hơn 100ha, thì nay mô hình này đã phát triển gấp hàng trăm lần. Có được kết quả này, là nhờ sự nỗ lực của bà con nông dân, sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ về vốn của Agribank. Chính nhờ có nguồn vốn đủ mạnh, cùng nhiều chính sách ưu đãi, nhiều nông dân đã mạnh dạng đầu tư, liên kết nuôi tôm thành công.

Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đồng hành cùng nông dân Cà Mau- Ảnh 1.

Cán bộ Agribank CN Cà Mau, Phú Tân đến thăm mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh của gia đình anh Lâm Văn Tích. Ảnh: Hồng Cẩm

Đến thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của gia đình anh Lâm Văn Tích (thành viên của HTX Hòa Hiệp, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Gia đình anh Tích có thâm niên trong nghề nuôi tôm ở địa phương hàng chục năm. Gần đây, nhận thấy mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, nên Tích anh đi học hỏi kỹ thuật nuôi và quyết định chuyển toàn bộ hơn 2ha đất gia đình sang thực hiện mô hình này.

Theo anh Tích, ưu điểm của phương thức nuôi tôm siêu thâm canh là mật độ nuôi cao, kích cỡ tôm lớn, năng suất cao (khoảng 20- 40 tấn/ha) và thời gian nuôi ngắn (khoảng 3 tháng/vụ). Tuy nhiên, muốn triển khai mô hình này thì hộ nuôi phải có diện tích đất lớn để bố trí hệ thống ao nuôi, ao xử lý nước, ao chứa nước thải; nắm vững kỹ thuật, từ cho tôm ăn hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao … Con giống phải đạt chất lượng, không bị nhiễm bệnh; phải nắm chắc kỹ thuật từ khâu xử lý nguồn nước đầu vào đến đầu ra, cho đến việc "bắt bệnh và trị bệnh" cho con tôm…

"Nuôi tôm siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải dễ làm. Ngoài việc phải nắm vững kỹ thuật từ quy trình xử lý ao, xử lý nước, xử lý tôm khi bị sự cố... Muốn thực hiện mô hình, người nuôi phải có nguồn vốn lớn, vì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 500 triệu đồng/ha.

Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đồng hành cùng nông dân Cà Mau- Ảnh 2.

Anh Lâm Văn Tích bên hệ thống bơm tự động trong ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh sắp đến ngày thu hoạch của mình. Ảnh: Hồng Cẩm

Lúc đầu tôi múc ao, rồi đến giai đoạn cho ăn thúc cũng vậy, cần vốn rất nhiều. Tuy nhiên suốt 5 năm qua nhờ Agribank cho vay vốn mà tui có điều kiện đầu tư trọn vẹn cho mô hình này. Nếu như không có nguồn vốn này tôi sẽ không dám làm, vì vay tiền bên ngoài lãi suất cao, sản xuất nguy cơ sẽ không có lời.

Nhờ nguồn vốn Agribank cấp đủ, lãi suất thấp, nhiều chính sách ưu đãi mà 5 năm qua mô hình nuôi tôm của tôi luôn thành công. Thành công từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp gia đình tôi có điều kiện cất lại nhà, mua thêm xe, mua sắm đồ đạc trong gia đình, đặc biệt là nuôi các con ăn học đàng hoàng"- Anh Tích vui vẻ chia sẻ.

Cũng giống như anh Tích, ông Nguyễn Minh Chương (một hộ nuôi tôm ở Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân) phấn khởi nói: "Cũng nhờ nghề nuôi tôm phát triển, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư, mở thêm dịch vụ mua bán thức ăn cho tôm, thu nhập nhờ vậy mà tăng đáng kể. Kinh tế khá lên, tôi có điều kiện cho đứa con lớn đi du học ở Hàn Quốc".

Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đồng hành cùng nông dân Cà Mau- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Minh Chương đã nuôi tôm thẻ siêu thâm canh được hơn 6 năm nhưng đã đồng hành cùng Agribank CN Phú Tân gần 20 năm. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Chương cho biết, ông đã nuôi tôm siêu thâm canh hơn 6 năm nay, hiện ông có khoảng 7.000m2 diện tích nuôi và đại lý thức ăn tôm. Với quy mô sản xuất kinh doanh của gia đình, hàng năm ông cần số tiền đầu tư lớn, lên đến vài tỷ đồng. Suốt thời gian qua từ giai đoạn nuôi tôm tự nhiên cho đến nuôi tôm thâm canh ông đều nhờ nguồn vốn vay từ Agribank CN huyện Phú Tân tiếp sức.

Hiện hạn mức của ông tại Agribank CN huyện Phú Tân là 10 tỷ đồng. Cứ lúc nào cần vốn ông ra rút xoay trở, lúc nào thu hoạch trả lại tiền vay và gửi tiết kiệm ngược lại.

"Gần 20 năm gắn bó với Agribank CN huyện Phú Tân, các anh em ở chi nhánh ngân hàng này với tui như người nhà. Ngoài công việc anh em cũng thường xuyên qua lại hỏi han việc làm ăn, nên khi tui nói cần vốn xoay là trong thời gian nhanh nhất sẽ được giải ngân"- ông Chương chia sẻ.

Cần sự đồng hành của Agribank và các cơ quan chức năng

Theo nhiều người dân nuôi tôm tại huyện Phú Tân cho biết, những năm trước đây, tôm thẻ loại 1 (từ 20- 22 con/kg) có lúc lên đến 290.000 đồng/kg, mỗi ha có thể cho tiền lời lên đến cả tỷ đồng. Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao nhất của địa phương.

Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau đồng hành cùng nông dân Cà Mau- Ảnh 4.

Cán bộ Agribank thăm mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh của ông Nguyễn Minh Chương. Ảnh: Hồng Cẩm

Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Nguyên, cán bộ Hội Nông dân huyện Phú Tân cho biết: Nuôi tôm siêu thâm canh cần nguồn vốn lớn, nhờ có Agribank nên mô hình này phát triển nhanh tại địa phương. Nếu như khoảng 10 năm trước diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Phú Tân chỉ có 100 ha, thì nay đã phát triển lên trên 36.900ha.

"Hiệu quả của các mô hình nuôi tôm nói chung và nuôi tôm siêu thâm canh nói riêng đã góp phần giúp nâng cao đời sống người dân huyện nhà. Số hộ nghèo đã giảm rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa, đầu tư cho con cái học hành. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy mà có nhiều thuận lợi"- ông Nguyên nói.

Tuy nhiên theo ông Nguyên, mô hình siêu thâm canh cần nguồn vốn lớn, nên rất cần sự đồng hành của Agribank hỗ trợ, tiếp sức về vốn, cũng như các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ về kỹ thuật, để mô hình này được phát triển bền vững.

Theo ông Trần Thanh Thắng – Giám đốc Agribank CN huyện Phú Tân: Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh huyện Phú Tân – Cà Mau đạt trên 1.800 tỷ đồng, trong đó, 99,7% tổng dư nợ dành cho lĩnh vực Tam Nông.Với sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn của agribank, cũng như sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, tin tưởng rằng mô hình nuôi tôm, nhất là nuôi tôm siêu thâm canh sẽ phát triển bền vững tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem