Sáng 29.8, Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra"

Nhóm P.V Thứ ba, ngày 29/08/2017 06:00 AM (GMT+7)
LTS: Ngày 7.7.2017, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có hơn 1.500 con tàu được đóng mới, nâng cấp hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, việc triển khai Nghị định 67 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Bình luận 0

Từ thực tế này, hôm nay (29.8) tại TP.Đà Nẵng, Bộ NNPTNT, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra” nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để nhiều ngư dân hơn nữa tiếp cận được các chính sách của nghị định này.

Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt được giao là đơn vị trực tiếp tổ chức Hội thảo lần này.

1.948 tàu được duyệt nâng cấp, đóng mới

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014 đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ cao, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510 tàu, đạt 66,11% so với kế hoạch.

img

 Ngư dân đánh bắt trên biển Hoàng Sa bằng tàu vỏ thép. ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Về giải ngân nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu: Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chính sách này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như về chính sách đầu tư: Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ. Thời gian đầu tiến độ đóng mới tàu cá còn chậm do khối lượng văn bản hướng dẫn nhiều, phối hợp nhiều đơn vị; chính sách được xây dựng theo hướng tạo điều kiện để ngư dân chủ động lựa chọn (tự quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu, ngân hàng vay vốn...).

Nghị định 67 cần sửa đổi những gì?

40 con tàu 67 bị hỏng
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu, đã có 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (2 tàu), Thanh Hóa (18 tàu), Quảng Nam (1 tàu) bị hư hỏng: gỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống, hỏng máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản...

Theo kiến nghị của Bộ NNPTNT, trong Nghị định 67 sửa đổi tới đây, ngân sách Trung ương cần ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ các hạng mục bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công trình neo buộc tàu; hệ thống xử lý nước thải; nhà phân loại; nhà điều hành; sân và đường nội bộ; hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông tin liên lạc chuyên dùng) và đầu tư xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn (cảng cá động lực).

Đối với chính sách hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá, chuyển từ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư theo hướng: Đóng mới tàu 800CV trở lên với vỏ thép, vỏ vật liệu mới để thay thế tàu có công suất từ 90CV trở lên được giải bản; không làm tăng, đảm bảo ổn định số lượng tàu cá xa bờ, cơ cấu lại nghề khai thác để giảm, chuyển đổi một số nghề không khuyến khích phát triển như lưới kéo.

Về chính sách bảo hiểm: Thực hiện hỗ trợ đối với tàu công suất từ 250CV trở lên; quy định mức hỗ trợ là 70% chi phí bảo hiểm thân tàu và thuyền viên; bổ sung hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá và thuyền viên tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem