Agribank Phú Yên: Vì một “đất Phú, trời Yên”

Chủ nhật, ngày 24/03/2013 10:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 23 năm hoạt động, Agribank Phú Yên hiện đang chiếm khoảng 40% thị phần tín dụng tại tỉnh này, trong đó, chiếm 80-100% tín dụng tại nhiều khu vực nông thôn. Đây là con số hết sức ý nghĩa ở một tỉnh đang có trên 80% dân số làm nông nghiệp...
Bình luận 0

“Đòn bẩy” miền núi

Tất bật, nhịp nhàng với bao công việc thường nhật, đột xuất của một ngân hàng lớn “đóng đô” địa phương, thế nhưng nhiều cán bộ, nhân viên Agribank Phú Yên tỏ ra rất “lãng mạn” trong những ngày kỷ niệm 25 năm thành lập ngành (26.3.1988-2013). Ông Trần Minh Mẫn – Giám đốc Agribank Phú Yên nhớ lại những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi làm ở Phòng giao dịch Agribank La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên): “Hồi đó, anh em cho vay vốn NNPTNT ở huyện miền núi này đều đi xe đạp và cuốc bộ. Mùa mưa thì lầy lội, sông suối cắt đường dày đặc, đi bộ nhanh và khỏe hơn đạp xe, bởi khỏi phải vác “ngựa”.

Chúng tôi cuốc bộ, đi về trong ngày từ thị trấn La Hai đến xã Xuân Lãnh (khoảng 10km), là chuyện bình thường. Giờ nghĩ lại mới thấy vất vả, chứ lúc ấy khí thế lắm, nhất là vào vụ thu hoạch sắn, mía…, nhân công từ các nơi về làm thuê đông vui như hội. Anh em bám địa bàn kỹ lắm, có đồng vốn kịp thời nên nông dân mới dám đầu tư làm ăn theo kiểu kinh doanh và khá lên trông thấy”.

img
Agribank TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã và đang có sự đầu tư lớn cho các đội tàu đánh bắt xa bờ.

Ông Ma Hoa - một nông dân người Ba Na đạt đẳng cấp triệu phú từ trồng sắn và nuôi bò đàn ở buôn Da Dù, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), cho biết: “Hai chục năm trước, hồi mới lấy vợ, gia đình tui bữa đói bữa no. Nhờ anh em cán bộ địa phương và ngân hàng nông nghiệp huyện hướng dẫn vay vốn ưu đãi, tui đầu tư mở rộng dần diện tích sắn và đàn bò thịt. Từ “đáo hạn, gối đầu” vài triệu, có lúc gia đình tui vay ngân hàng nông nghiệp hàng trăm triệu đồng để chủ động trong khâu đầu tư, thu hoạch và lựa chọn nơi bán sản phẩm có lãi cao. Nay tui mua xe tải để vừa phục vụ sản xuất vừa chạy dịch vụ trong vùng. Lúc này, thu nhập mỗi năm của gia đình trên 300 triệu đồng”.

Agribank Phú Yên cho biết, dư nợ cho vay ngành nông nghiệp đang đạt 930 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Điểm tựa nghề biển

Bên cảng Tuy Hòa, hình ảnh chủ tàu “bò gù” Phạm Đạn (Phó lạch Phú Câu) tay bắt mặt mừng với bà Nguyễn Thị Kim Hằng (Phó phòng Tín dụng Agribank Phú Yên), ai nhìn đều xúc động. Họ đã biết nhau từ những ngày bà Hằng còn làm cán bộ cho vay phụ trách khu vực phường 6, TX.Tuy Hòa (cũ). Lúc ấy, đánh bắt xa bờ với đối tượng là con cá bò gù mới manh nha đầu tiên trong cả nước tại đây. Nhiều ngư dân rất muốn làm ăn lớn nhưng vốn liếng trong nhà “trống trơn”; thế là chủ trương cho vay đánh bắt xa bờ (Agribank chủ công thực hiện) đã gặp gỡ, thổi bùng lên ngọn lửa chinh phục khơi xa… Ông Phạm Đạn hiện đã “giao tay lái” cho con cháu và đang làm Phó lạch Phú Câu (Tuy Hòa), hỗ trợ dịch vụ cho tàu xa bờ.

Theo ông Phạm Đạn, nếu không có chính sách ưu đãi cho vay đánh bắt xa bờ và sự đầu tư tận tình của Agribank thì Phú Yên không thể có đội tàu câu cá ngừ đại dương hùng mạnh, hàng mấy trăm chiếc “chinh phạt” khắp “hang cùng, ngõ hẻm” Biển Đông như lúc này. Nhiều gia đình ngư dân đầu tư tàu công suất lớn đánh “bò gù” đang có mức thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Có gia đình sở hữu cùng lúc 3-5 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Nhiều gia đình từ vay vốn Agribank mà thoát nghèo, nên cơ nghiệp, hiện chỉ vay “chút đỉnh” trong những đợt đầu tư lớn.

Ngoài tập trung vốn “tấn công” xa bờ, nghề nuôi tôm hùm lồng của Phú Yên cũng đang “ngốn” lượng vốn lớn từ Agribank, tập trung tại “thủ đô tôm hùm” khu vực đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (TX.Sông Cầu). Ông Nguyễn Thành Nhơn (45 tuổi), một triệu phú ở xã Xuân Thịnh (Sông Cầu) cho hay, ông gây dựng nghề tôm hùm từ năm 1996, thế rồi trắng tay vì cơn bão số 8 năm 2001. Năm 2005, với quyết tâm tiếp tục làm giàu, ông được Agribank Sông Cầu và Hội Nông dân xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng, góp cùng vốn gia đình để nuôi thả lại 17 lồng tôm hùm.

Ngay năm sau (2006), ông Nhơn xuất bán, trừ chi phí, lãi 200 triệu đồng. Tiếp tục đáo hạn, tăng lượng vốn vay tại Agribank Sông Cầu để đầu tư mở rộng, đến năm 2009, gia đình ông Nhơn thu lãi ròng 2,2 tỷ đồng từ bán tôm hùm thịt. Năm 2011, ông tiếp tục “gặt” lãi ròng 1,5 tỷ đồng. Lúc này, tài sản ông đang “ngâm” dưới nước biển ước khoảng 5-6 tỷ đồng… Gia đình ông hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức tiền công 3 triệu đồng/tháng.

Ông Nhơn nói: “Nuôi tôm hùm lồng trên biển là một bài toán của kiên trì và đồng vốn. Nếu không có đầu tư của Agribank thì Sông Cầu không thể trở thành “thủ đô tôm hùm” như ngày hôm nay. Anh thấy đấy, làng biển này tỷ phú “lủ khủ”, hầu hết nhà cao cửa rộng, “ăn to, nói lớn” đều là dân nuôi tôm hùm”.

Ông vẫn luôn nhắc những kỷ niệm thuở hàn vi đã được anh em ngân hàng tin tưởng cho vay hàng “núi” tiền; hay những lúc cần mở rộng đầu tư lớn, Agribank Sông Cầu đã mau mắn giải ngân bạc tỷ để gia đình ông có được cơ ngơi ngày hôm nay; ông vanh vách nhắc tên từng người… Ông Nhơn lúc này còn là thành viên “cơ bản” của Chi hội Nông dân thôn Từ Nham (Xuân Thịnh); chi hội này đã lập được 18 tổ hội gắn với 18 tổ vay vốn (với 342 ngư dân) tại Agribank Sông Cầu…

Theo Agribank Phú Yên, dư nợ ngành thủy sản tại tỉnh đang trên 362 tỷ đồng, chiếm 11,7% cho vay nền kinh tế.

23 năm ấy, biết bao ân tình

“Chạy tốt” hệ thống kinh doanh, phục vụ vốn phát triển nông nghiệp, Agribank Phú Yên còn có nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng đầy ý nghĩa. Điển hình là việc dành 5 tỷ đồng cho 1.000 hộ nông dân vay với lãi suất 0% để mua máy vi tính phục vụ làm ăn và học hành của con cái. Tiếp đó là triển khai chương trình bán máy vi tính đến các hộ nông dân với giá ưu đãi, đảm bảo chất lượng và lắp đặt thiết bị đầu cuối để truy cập dịch vụ Internet tốc độ cao, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn giúp bà con nắm được thao tác “lướt mạng” để tìm hiểu thông tin, kiến thức phục vụ cuộc sống, làm ăn kinh tế.

“Agribank Phú Yên hiện có 10 chi nhánh, 8 phòng giao dịch, 14 điểm ATM, cùng nhiều dịch vụ tài chính hiện đại khác. Tổng huy động vốn và cho vay đang đạt trên 3.000 tỷ đồng. Đầu tư vốn cho nông nghiệp - nông thôn lúc này là chắc chắn nhất”.

Khai giảng năm học vừa qua, Agribank Phú Yên tổ chức tặng hàng trăm suất quà gồm sách vở, áo quần và dụng cụ học tập để góp phần động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thêm vững bước đến trường.

Hơn hai mươi năm qua, Agribank Phú Yên luôn chú trọng và làm tốt nhiều hoạt động xã hội như: Hỗ trợ tiền xây nhà đại đoàn kết và nhà tình nghĩa để tặng cho các hộ nghèo, góp đá xây Trường Sa, tặng sổ tiết kiệm cho nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà tết cho hộ nghèo, hỗ trợ đột xuất cho nhiều hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống,…

Đêm, ngồi cà phê ở ngoại ô “thủ đô tôm hùm”, trò chuyện với anh em cán bộ Agribank Sông Cầu, với sự “chứng giám” của anh Trần Văn Tập - Phó phòng Tín dụng Agribank Phú Yên, tôi cảm nhận tình yêu và trách nhiệm của từng phận sự những con người làm nghề cung vốn vì sự phát triển nông thôn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem