Ai đã giúp chúa Trịnh Cương trở thành "nhà cải cách tài chính" đầu tiên trong lịch sử?

Đ.T Thứ sáu, ngày 19/05/2023 21:30 PM (GMT+7)
Chúa Trịnh Cương là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam đầu thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, trong những công lao cải cách của chúa Trịnh Cương có phần đóng góp không nhỏ của những đại thần như Nguyễn Công Hãng.
Bình luận 0

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Nguyễn Công Hãng sinh năm 1680 và mất năm 1732. Tên chữ của ông là Thái Thanh, hiệu Tĩnh Am, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là một đại thần, nhà ngoại giao và là một nhà thơ thời Lê trung hưng.

Sinh thời, ông từng giữ các chức quan như Đề hình, Thiêm đô ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng (từ tháng 12-1715), Tả thị lang bộ Binh, Nhập thị bồi tụng, Thượng thư, tước Sóc quận công, sau thăng Thiếu bảo, kiêm chức Ngự sử đài chánh chưởng, Thượng thư bộ Lại, hàm Thái tử thái phó, sau lại thăng Thái bảo, xếp vào hạng tá lý công thần và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh tháng 4-1718. Năm 1720, ông được thăng tham tụng. Về sau, do Trịnh Giang nghe lời dèm pha bèn giáng chức điều ông đi làm Thừa chính sứ Tuyên Quang và bắt ép ông phải tự tử.

Ai đã giúp chúa Trịnh Cương trở thành "nhà cải cách tài chính" đầu tiên trong lịch sử? - Ảnh 1.

Một buổi thiết triều của chúa Trịnh Cương. Ảnh mình hoạ.

Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) đời Lê Hy Tông lúc mới 20 tuổi. Trong kỳ thi này, ông đứng thứ 17 trong tổng số 19 người đỗ đạt. Ông có nhiều đóng góp tích cực cho chính sách cai trị của triều đình Lê - Trịnh đầu thế kỷ XVIII.

Gặp minh chúa An Đô vương Trịnh Cương là người tận tuỵ công việc và biết trọng dụng nhân tài, Nguyễn Công Hãng cùng các văn thần Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Cơ phát huy được nhiều tài năng thời đó. Ông được tin tưởng cất nhắc làm thượng thư, là tể tướng trong triều.

Theo lệ lúc đó, cứ đo công điền công thổ mà đánh thuế, gọi là "thuế", chia ra làm ba hạng. Hạng nhất mỗi mẫu đồng niên đóng 1 quan, hạng nhì 8 tiền, hạng ba 6 tiền. Những sưu dịch như là việc tế tự trong đền vua phủ chúa, việc sửa sang trường thi, việc làm cầu cống, đắp đường sá, giữ đê điều... thì cứ tùy nghi mà bổ cho các suất đinh để lấy tiền mà cung ứng cho đủ.

Thấy việc này chưa hợp lý, năm 1723, Nguyễn Công Hãng theo phép tô, phép dung và phép điệu của nhà Đường mà châm chước, sửa sang lại, dâng lên chúa Trịnh Cương, được chúa tán đồng ban hành:

Về phép tô, tức là phép đánh thuế điền thổ, mỗi mẫu công điền là phải nạp 8 tiền thuế, ruộng nào hai mùa thì chia ba, quan lấy một phần thóc. Nhưng của quan, cứ mỗi mẫu nạp thuế 1 quan 2 tiền; chỗ nào trồng dâu thì nộp một nửa bằng tơ, chỗ nào không trồng dâu thì nộp cả bằng tiền. Các ruộng tư điền ngày trước không đóng thuế, bây giờ mới đánh: ruộng hai mùa mỗi mẫu 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu 2 tiền.

Phép dung, tức là phép đánh thuế thân, cứ mỗi suất đinh là đồng niên đóng 1 quan 2 tiền. Những người sinh đồ, lão hạng và hoàng đinh (Lão hạng là những người từ 50 đến 60 tuổi. Hoàng đinh là người mới có 17 đến 19 tuổi) thì đóng một nửa.

Phép điệu, tức là phép bắt dân đóng tiền sưu dịch, cứ mỗi một suất đinh, một năm hai mùa, mùa Hạ phải đóng 6 tiền, mùa Đông phải đóng 6 tiền. Quan lấy tiền ấy mà làm các việc, không phiền đến dân nữa.

Cùng năm đó, ông kiến nghị Trịnh Cương cho phép dân chúng được yết bảng góp ý kiến với quan lại địa phương. Trịnh Cương đồng tình cho thi hành, bố cáo gửi các địa phương có ghi rõ: Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng, cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết ghép theo ý mình, khen chê bậy bạ sẽ bị tội.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì thời kỳ đầu sau khi đỗ đạt và ra làm quan, Nguyễn Công Hãng quả là một bề tôi có tài và đã gặp được minh chúa là Trịnh Cương. Tiếc rằng cuộc đời Trịnh Cương quá ngắn ngủi. Qua đời năm 1729, khi ấy ông mới 44 tuổi. Chỉ có 44 tuổi đời, song Trịnh Cương đã làm nên bao kỳ công vĩ tích. Trong thời gian ở ngôi, ông có nhiều công lao trong việc xây dựng quốc gia đương thời, ban hành nhiều chính sách cải cách thuế khóa nhằm hạn chế bất công; đồng thời củng cố lại quân ngũ, bổ dụng và làm trong sạch đội ngũ quan lại. Ngoài ra, ông còn cho chỉnh đốn lại văn bài trong các kỳ thi hương, ban bố 10 giáo điều về giáo dục, đạo đức, nhân cách con người... Và những giá trị về tư tưởng, những đường lối, những chủ trương chính sách, những cải cách tiến bộ đa dạng, phong phú toàn diện của Nhân Vương Trịnh Cương đã khẳng định ông là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam đầu thế kỷ XVIII.

Tuy nhiên, trong những công lao ấy của Trịnh Cương có phần đóng góp không nhỏ của những đại thần như Nguyễn Công Hãng. Hầu hết những sáng kiến cải cách của Trịnh Cương được giới sử gia đương thời và ngày nay khẳng định rằng nó bắt nguồn từ những ý tưởng, chủ kiến của Nguyễn Công Hãng. Cụ thể là trong 10 giáo điều về giáo dục, đạo đức, nhân cách con người... được Trịnh Cương ban bố, song nội dung gần như những gì mà Nguyễn Công Hãng đã thể hiện trong thơ. Thơ của Nguyễn Công Hãng luôn đề cập đến trách nhiệm của người cầm quyền, đến truyền thống văn hiến và vận mệnh của đất nước. Ông còn viết về nếp sống chất phác, đức tính giàu tín nghĩa của quê hương. Thế mới hay rằng câu nói của người xưa rằng: "Thần thiêng nhờ bộ hạ" quả là không sai. Xin hậu thế đừng ai quên điều này, bởi một cá nhân không thể làm nên lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem