Cá hồ Tây chết được thu dọn vào thùng rác
Cách đây 5 năm tôi có tiếp một Việt kiều về nước sau 20 năm sinh sống ở nước Đức. Người Việt kiều có mong muốn được ăn một bữa ốc Hồ Tây để nhớ lại một thời tự lần mò kiếm ăn thời bao cấp đói khổ. Tôi nhờ một người bạn chuyên câu cá trộm tại Hồ Tây bố trí cho mình một bữa ăn như thế. Người bạn chuyên câu trộm lập tức từ chối bằng câu trả lời đơn giản “Từ ngày Công viên nước đi vào hoạt động hồ Tây làm gì còn ốc. Mấy nhà hàng chuyên nhập ốc từ đâu về bán chứ bọn tôi thèm còn không kiếm được một bữa mà ăn”.
Tôi có kiểm tra thông tin qua mấy người chuyên câu trộm và đều nhận được những thông tin tương tự. Tôi giật mình chợt nhận thấy một sự thật: chính những người câu trộm ấy lại là những người nắm rõ nhất về những thay đổi trong môi trường sống tại hồ Tây. Trong cả xã hội đầy đủ các thể loại nhà khoa học, các Bộ Ban ngành, các đoàn thể… nhưng không có bất kỳ một theo dõi hay báo cáo thường niên nào về môi trường sinh thái tại Hồ Tây được công bố. Việc loài ốc hồ tại hồ Tây có biến mất hay không tôi không biết. Cũng như tôi hoàn toàn không biết việc cái công viên nước kia đi vào hoạt động có tác động gì đến môi trường tự nhiên của hồ Tây hay không.
Cho đến hôm nay cá chết trắng xóa hồ Tây. Những thông số ban đầu ghi nhận toàn bộ nước mặt hồ Tây có chỉ số oxy bằng 0. Theo Ban quản lý hồ Tây, mỗi ngày khoảng 4.000m3 nước thải chưa qua xử lý đổ xuống hồ. Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Công an Hà Nội thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân đồng thời lấy mẫu cá sống/chết đưa đi giám định nhằm làm rõ có nhiễm các chất độc hại hay không.
Tất nhiên tất cả sẽ được làm “đúng quy trình” để đưa ra một nguyên nhân cho việc cá chết. Cũng như trong sự kiện Vũng Áng, sau rất nhiều giả thiết và những nguyên nhân không chính xác, rốt cuộc Formosa cũng nhận trách nhiệm cho “cái chết của một dải biển miền Trung”. Thế nhưng sự nhận trách nhiệm ấy không làm cho biển miền Trung sống lại, không làm cho cuộc sống con người an toàn hơn.
Những quy trình chỉ còn là một hình thức trống rỗng, vì nó không còn bảo vệ được sự an toàn cho tự nhiên và cuộc sống con người nữa.
Cá chết chỉ là một biểu tượng cho sự ô nhiễm. Đằng sau biểu tượng ấy là một loạt các thực tế phũ phàng. Từ năm 2012, kết quả công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos cho thấy, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có môi trường không khí tệ nhất thế giới, đứng thứ 123 trong tổng số 132 nước. Các chuyên gia quốc tế khẳng định Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và chắc chắc là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á.
Ô nhiễm biển ở Việt Nam cũng đang ở mức độ sinh tử. San hô, một thước đo cho sự trong sạch của nước biển sẽ biến mất trong vòng 20 năm nữa trong các vùng biển Việt Nam. Mỗi năm, biển Việt Nam mất hơn 50 tấn san hô chưa kể mất san hô đen ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Mức độ tàn phá rừng cũng không hề thua kém. Theo báo cáo của Tổ chức lâm nghiệp quốc tế CIFOR, trong vòng 50 năm qua diện tích rừng Việt Nam đã giảm nghiêm trọng. Vào năm 1943, diện tích rừng của Việt Nam là 14,3 triệu ha, tương đương với độ che phủ rừng là 43%. Đến năm 1990, chỉ còn khoảng 9,175 triệu ha (khoảng 27,8% diện tích đất) còn rừng. Sau thời gian này dù diện tích rừng Việt Nam tăng mạnh nhưng đa số là rừng mới trồng nên đa dạng sinh học không hề được cải thiện. Rừng chỉ mang ý nghĩa phủ xanh đất trống đồi trọc chứ không phải môi trường rừng nguyên sinh nữa.
Đằng sau cá chết là cả môi trường tự nhiên đang chết. Đằng sau cả môi trường tự nhiên đang chết là cuộc sống của con người.
Đơn giản như bệnh ung thư. 80% nguyên nhân sinh ra ung thư là do môi trường bên ngoài. Theo GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới. Những năm 1990, số lượng người mắc bệnh này còn rất thấp, khoảng 70.000 người trong một năm, nhưng đến năm 2010-2015, con số này mỗi năm đã là 150.000 người.
Dự báo đến năm 2020, tức 4-5 năm nữa thôi, sẽ có 200.000 người mắc ung thư mới mỗi năm. Cộng với số người đã mắc bệnh ung thư đang điều trị và số người đã khỏi bệnh ung thư rồi thì tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.
Khi những quy trình bảo vệ tự nhiên trở nên vô dụng thì quy trình cho những cái chết bệnh tật được khởi động. Cá đã chết từ Vũng Áng và giờ cá đang chết ở Hà Nội. Ngay chính Thủ đô, trung tâm chính trị, khoa học, văn hóa còn “thất thủ” thì tự nhiên nơi đâu có thể được gìn giữ cho một cuộc sống an lành?
Cá chết, đó là một nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh không phải về cái chết của cá, mà về cái chết của tự nhiên và của con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.