Bộ lạc Garo nằm trong số ít bộ lạc theo "xã hội" mẫu hệ. Ảnh: Guy Philippe
Bộ lạc Garo theo "xã hội" mẫu hệ, phụ nữ sở hữu tài sản
Ấn Độ là nơi sinh sống của hơn 600 bộ lạc, phần lớn trong số họ đều có những tín ngưỡng và phong tục độc đáo riêng. Trong số đó, không thể nhắc đến bộ lạc Garo thuộc vùng Đông Bắc nằm trong số ít bộ lạc theo "xã hội" mẫu hệ trên thế giới. Đó là một hệ thống xã hội, trong đó phụ nữ trong gia đình sở hữu tài sản, còn nam giới quản lý các công việc chung và tài sản.
Người Garo được cho là có cội nguồn từ vùng Tây Tạng, đã di cư đến vùng Garo Hills từ rất sớm vào năm 400 TCN. Lịch sử ghi chép lại về bộ tộc Garo xuất hiện từ năm 1800. Ban đầu, họ định cư ở Meghalaya và dưới chân đồi Arunachal Pradesh, sau đó bộ lạc này cũng di cư đến Assam trong thời kỳ cai trị của thực dân Anh. Trên thực tế, họ là bộ tộc lớn thứ hai ở Meghalaya sau Khasis và chiếm một phần lớn dân số. Trong xã hội người Garo, con cái lấy tước hiệu thị tộc từ mẹ và con gái út được quyền thừa kế tài sản của tổ tiên.
Các chàng trai đến độ tuổi trưởng thành sẽ rời khỏi nhà và sống trong khu ký túc dành cho nam giới độc thân được gọi là nokpante. Phụ nữ bị cấm vào Nokpante. Trong quá khứ, nếu bất kỳ phụ nữ nào vi phạm quy tắc này đều bị coi là "mất đi sự trong sạch". Nam thanh niên sẽ sống trong nhà của người vợ sau khi kết hôn.
Phụ nữ bị cấm vào khu ký túc của nam giới độc thân. Ảnh: N K Rajput
Bộ lạc Garo với những e ngại phong tục tập quán truyền thống đang dần biến mất
Ngôn ngữ gốc của người Garo thuộc ngữ hệ Tạng-Miến. Tuy nhiên, không có chữ viết chính thức của ngôn ngữ tồn tại ngày nay. Hầu hết các phong tục, tín ngưỡng và truyền thống lâu đời được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tôn giáo truyền thống của họ, được biết đến với tên gọi Songsarek, đang bị suy tàn, chỉ được tiến hành ở một số vùng sâu vùng xa.
Theo đó, họ hiến tế động vật để dâng lên các vị thần. Các vị thần mà người Garo tin tưởng được cho là có mặt ở khắp mọi nơi: ở trên trời, dưới đất, dưới vực sâu, sông, đá, cây, rặng tre; trong những hang động tối tăm, những hốc núi huyền bí; thậm chí đá cũng được coi là nơi ở của một số linh hồn.
Trang phục truyền thống có màu sắc sặc sỡ và thích trang trí bằng những món đồ trang sức tinh xảo. Ảnh: Vishma Thapa
Trang phục truyền thống của cả nam và nữ có màu sắc sặc sỡ và được trang trí bằng những món đồ trang sức tinh xảo, bao gồm dây chuyền ripok được làm từ các hạt thon dài hoặc thủy tinh đỏ, hoa tai làm từ bạc, dây thắt lưng làm từ vỏ ốc xà cừ và mũ đội đầu gọi là pilne thường được phụ nữ đội trong các dịp lễ hội. Bộ lạc Garo sử dụng vũ khí riêng của mình như giáo, kiếm, cung tên với mục đích săn bắn.
Hiện nay, người Garo lo lắng nhiều phong tục và truyền thống lâu đời đang mất dần đi bởi phần lớn dân số chuyển sang Cơ đốc giáo. Họ cũng ăn mặc khác với trang phục truyền thống dành cho những dịp lễ hội. Họ làm nông nghiệp và đánh bắt cá. Gạo là lương thực chính; họ cũng chuẩn bị một số món đặc sản bao gồm các món tráng miệng và đồ ngọt làm từ gạo được giã bằng tay. Bên cạnh đó, người Garo còn chăn nuôi gia súc gia cầm như dê, lợn, gà.
Điệu múa Wangala. Ảnh: Daily Passenger
Bộ lạc Garo có nhiều lễ hội đặc sắc, bao gồm cả lễ Giáng sinh. Phải kể đến Wangala, hay còn gọi là lễ hội thu hoạch, được tổ chức hàng năm trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 rất hoành tráng. Lễ hội này được tổ chức để tạ ơn thần Saljong vì một vụ mùa bội thu. Trong lễ hội, họ nhảy điệu múa Wangala để ăn mừng.
Phụ nữ Garo. Ảnh: Guy Philippe
Phụ nữ Garo đều làm nghề dệt vải, nhiều nhà có khung cửi. Các loại vải dệt thoi được nhuộm màu bằng cách sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên như màu vàng có được bằng cách sử dụng nghệ, trong khi màu hồng được chiết xuất từ vỏ của hành tây. Lá được đun sôi và sử dụng để có nhiều màu xanh khác nhau. Vải được thêu bằng tay và thiết kế đặc trưng với dạng hình học qua các đường viền. Sản phẩm nổi bật của người Garo bao gồm khăn choàng, túi xách và vỏ đệm…
Mở cửa thu hút du khách. Ảnh: Daily Passenger Instagram
Thành lập bảo tàng và làng di sản cho bộ tộc Garo để thu hút khách du lịch
Để bảo tồn di sản văn hóa phong phú của người Garo, các tổ chức như Balipara Foundation đã cho phép du khách đến tham quan không gian nhà ở tại quận Sonitpur của Assam. Du khách có thể trải nghiệm lối sống truyền thống của bộ lạc bằng cách tham gia vào các hoạt động như dệt vải, trồng trọt và thưởng thức ẩm thực địa phương. Đây cũng là cơ hội lớn để người dân Garo tăng thêm thu nhập và giúp phát triển kinh tế xã hội chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.