Lấy lá của cây thốt nốt làm tranh, ai xem cũng trầm trồ thán phục nghệ nhân An Giang
An Giang: Độc đáo tranh làm từ lá của thứ cây 20 năm mới "chửa đẻ" ở Bảy Núi là sản phẩm OCOP 4 sao
Hồng Cẩm - Hoàng Quân
Thứ sáu, ngày 02/04/2021 19:00 PM (GMT+7)
Một nghệ nhân ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đã biến những thứ tưởng chừng rất tầm thường là lá thốt nốt thành những bức tranh nghệ thuật sinh động, đa sắc màu, làm phong phú thêm dòng tranh nghệ thuật, được khách hàng cả nước yêu thích. Cây thốt nốt sau khi trồng 20 năm mới cho trái...
Đó là nghệ nhân Võ Văn Tạng, 78 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông chia sẻ, ông yêu thích vẽ tranh từ lúc nhỏ, đến khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, đi làm ông vẫn giữ niềm đam mê hội họa. Năm 2003, khi về hưu, ông Tạng đã dành toàn thời gian thực hiện đam mê, ông vẽ tranh và mở lớp nhận học trò, dạy miễn phí cho các cháu bị khuyết tật.
Cây thốt nốt là loại cây đặc trưng vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, là người con xứ Bảy Núi cây thốt nốt là tuổi thơ, là quê hương của ông.
Nhưng trước đó ông cũng như nhiều du khách chỉ biết thốt nốt là loại đặc sản ẩm thực vì nước thốt nốt, cơm có hương vị rất đặc biệt. Nhưng khi tìm hiểu loại cây này, ông Tạng rất lý thú khi biết lá thốt nốt để lâu không bị hư hỏng và lá cây không bị mối mọt, chuột bọ cắn phá. Khi khám phá ra công dụng kỳ diệu của lá thốt nốt, ông Tạng đã tìm tòi nghiên cứu dùng làm nguyên liệu sáng tác tranh, ảnh.
Ông Tạng nhớ lại, lúc đó bản thân gặp rất nhiều khó khăn vì hầu như ít họa sĩ nào sử dụng lá thốt nốt làm nguyên liệu vẽ tranh. Qua nhiều tháng nghiên cứu, ông Tạng nắm rõ bí quyết muốn dùng bút lửa vẽ lên lá thốt nốt thì phải chọn lá non đủ tuổi, nếu lá quá già hoặc non quá khi vẽ sẽ hư ngay hoặc không tạo nền đẹp.
Khi đã nắm được quy luật, ông Tạng đã vẽ trên 200 kiểu tranh thốt nốt với đủ kiểu mẫu khác nhau, trong đó gồm các chủ đề tranh Bác Hồ, Bác Tôn, tranh phong cảnh làng quê, tranh loài vật…
Những bức tranh làm từ lá thốt nốt để đời
Ông Tạng tự hào chia sẻ, một trong những sản phẩm nổi tiếng là Bức tranh di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam được ông thực hiện trong năm 2010.
Đây là bức tranh đạt kỷ lục Guiness Việt Nam có chiều cao hơn 2m, bề ngang 1m22 dán bằng thủ công cỡ chữ lớn, ảnh lớn với hai mặt vẽ chân dung Bác Hồ, bốn ảnh nhỏ là hình ảnh liên quan đến cuộc đời Bác như Bến nhà Rồng nơi Bác tìm đường cứu nước, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập và Lăng Bác.
Mặt còn lại là toàn văn bản Di chúc gồm có 56 dòng với trên 1.000 chữ do ông cùng các học trò miệt mài làm trong suốt một tháng trời. Bản Di chúc được lồng trong khung gỗ kích thước 2,55 x 3,55m có chạm trổ tinh xảo với những họa tiết như hình đài sen, rồng, kỳ lân và hiện nay bức tranh này trưng bày trang trọng tại khu du lịch hồ Ông Thoại huyện Thoại Sơn.
"Bức tranh di chúc Bác Hồ là bức tranh khó làm nhất từ trước đến nay tôi làm, khi làm phải tính toán, chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với kích cỡ, dễ nhìn, dễ đọc và tạo hồn cho bức tranh sống động"- Nghệ nhân chia sẻ.
Ngoài bức tranh kỷ lục trên, ông Tạng còn vẽ chân dung Bác Tôn có chiều cao 1m76, bề ngang rộng 1m2, chất liệu tranh làm hoàn toàn bằng lá thốt nốt. Bức tranh này ông Tạng đã cùng nhiều thợ giỏi làm 15 ngày đêm mới hoàn thành. Ông đã tặng bức tranh này cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất Bác Tôn (30.3.1980-30.3.2015)
Năm 2014 ông lại đột phá với dòng tranh thốt nốt màu có màu sặc nổi bật như tranh sơn dầu. Dòng tranh thốt nốt màu được ông Tạng nghiên cứu hơn 4 năm để tìm ra bí quyết pha màu trên lá. Tranh màu lá thốt nốt có giá trị cao do để lâu dài màu không bị xuống màu hay phai theo thời gian.
Tính ra đến nay ông đã tung ra hàng chục ngàn bức tranh lá thốt nốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2020 khi tỉnh An Giang phát động chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ông Tạng đã đưa dòng tranh là thốt nốt tham gia và được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.