Hơn 15 năm kinh nghiệm trong việc nuôi lươn giống và thương phẩm, ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước) cho biết, trước đây ông lấy lươn bố mẹ trong tự nhiên, cho sinh sản và nuôi trong bùn, hao hụt hơn 70% số lượng lươn thả nuôi, thậm chí nhiều năm chết gần hết, thua lỗ nặng.
Cách đây 2 năm, ông và nhiều hộ dân khác tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao” và hỗ trợ kỹ thuật nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGap do Trung tâm Giống thủy sản An Giang triển khai.
Các bồn lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap
Với diện tích hơn 40m2, ông Đường đầu tư khoảng 60 triệu đồng làm mái che, đường ống nước, xây bồn bê-tông, lót bạt…Sau 12 tháng từ lúc thả 10.000 con lươn giống loại 300 con/kg, ông thu hoạch hơn 600kg lươn thương phẩm, loại 4 con/kg, bán cho thương lái với giá 170.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm ông Đường còn bán hơn 150.000 con lươn giống các loại cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Đường, việc nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap phải chăm sóc rất kỹ. Trước khi thả lươn vào bồn, thực hiện tắm lươn qua nước muối loãng để sát trùng và loại bỏ ký sinh trùng gây bệnh. Điều quan trọng nhất trong mô hình nuôi lươn không bùn là phải có nguồn giống sạch bệnh. |
Để tạo môi trường gần giống với tự nhiên, người nuôi xếp các bao cát trong bồn tạo chỗ cho lươn chui, ẩn náu. Ở giữa hoặc bên cạnh bồn, đặt lưới sắt nổi trên mặt nước để cho lươn ăn hàng ngày. Thời gian cho lươn ăn tùy vào thói quen riêng của người nuôi. Thức ăn gồm: cám, cá nấu chín, men tiêu hóa…xay nhuyễn, sau đó thả vào bồn cho lươn ăn.
Vì lươn rất mẫn cảm với môi trường sống, thức ăn dư trong bồn phải được vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu, thức ăn sẽ phân hủy gây ảnh hưởng đến nước. Mỗi ngày, phải thay nước 1 lần để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển.
“Nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap phải tuân thủ về kỹ thuật, cách chăm sóc, thức ăn cho lươn, sử dụng các loại men vi sinh phòng bệnh và vitamin bổ sung dinh dưỡng cho lươn... Đặc biệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi để phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng khi xuất bán” - ông Đường chia sẻ.
Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng lót bạt phải thay nước mỗi ngày 1 lần.
Cũng như ông Đường, nông dân Nguyễn Văn Ngà (ngụ cùng ấp Vĩnh Phước) đang áp dụng mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGap với hơn 90m2 bồn nuôi. Qua thời gian nuôi theo mô hình mới này, ông Ngà cho biết, nuôi lươn không bùn có nhiều lợi thế hơn kiểu nuôi truyền thống.
Nuôi lươn không bùn giảm khoảng 30% chi phí đầu tư chuồng sau mỗi đợt nuôi, chủ yếu là khỏi tốn tiền thay đất so với nuôi truyền thống. Vệ sinh bồn nuôi rất dễ, không có mùi hôi, nước thải không gây ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cho lươn cũng như quản lý số lượng.
So với nuôi truyền thống, lươn nuôi không bùn theo tiêu chuẩn VietGap lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch đặc biệt dễ, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Ông Ngà còn ương thêm lươn giống để tạo nguồn giống cho những đợt nuôi tiếp theo và bán cho người nuôi các vùng lân cận.
“Giá bán lươn theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn giá lươn thường 10.000 đồng/kg, bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh chăn nuôi. Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGap giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng” - ông Ngà cho biết thêm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Bình Huỳnh Văn Bình cho biết, hiện Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap của xã có 16 hộ tham gia, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Bình sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi lươn truyền thống chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.