An ninh lương thực thế giới: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ bảy, ngày 20/10/2012 10:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội nghị thường niên 2012 “Rủi ro trong ngành lúa gạo ở châu Á” được tổ chức tại TP.HCM ngày 17 và 18.10, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Bình luận 0

Trong khi nhu cầu thị trường gạo trên thế giới, các chuyên gia có thể dự đoán khá chính xác thì nguồn cung lại đang rất khó xác định. “Những nước xuất khẩu gạo nhiều lại mập mờ và bí mật về chính sách. Điều này gây nguy cơ biến động giá gạo trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến bức tranh thương mại gạo toàn cầu” – chuyên gia Tom Slayton của Diễn đàn quản lý rủi ro phát triển nông nghiệp (FARMD) nhận định.

img
Thu hoạch lúa ở Nam Định.

Theo tính toán, hiện có tới 40% lượng gạo thế giới đang nằm trong kho của Chính phủ Thái Lan. Thế nhưng không ai biết bao giờ Chính phủ nước này sẽ bán ra, với số lượng bao nhiêu? Ngay từ khi Thái Lan tung ra chính sách tạm trữ lúa gạo, lập tức các thông tin về thị trường gạo trên thế giới đã bị méo mó.

Trong khi đó, Ấn Độ lại đang vào mùa mưa bão nên sẽ có một lượng gạo không nhỏ bị hư hỏng. Do đó, lượng gạo mà nước này xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng rất khó xác định. Ở thị trường châu Mỹ, cho đến giờ Chính phủ Mỹ vẫn chưa công bố sản lượng gạo mới nhất.

Còn tại Việt Nam, Chính phủ thường hạn chế xuất khẩu vào những thời điểm khác nhau, nhất là vào đầu vụ. Điều này đã làm lu mờ bức tranh thị trường gạo toàn cầu trong thời gian tới. Và giá cả theo đó cũng không ổn định. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam Bùi Bá Bổng cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện đang chịu ảnh hưởng của biến động giá cả, đồng thời ngành nông nghiệp cũng đối mặt với rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những rủi ro này đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong khi lúa gạo là thực phẩm chủ yếu của các nước châu Á.

Bà Apiradee Yimlamai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan cho biết, thay vì đưa các giải pháp hữu hiệu thì thời gian qua một số quốc gia lại áp dụng cách hỗ trợ giá thu mua hoặc vật tư, nguyên liệu đầu vào cho nông dân như Thái Lan và nhiều nước Đông Nam Á khác đang thực hiện.

“Đây không phải là một biện pháp hay bởi về lâu dài ngân sách nhà nước không kham nổi và trợ giá sẽ khiến người nông dân có tâm lý ỷ lại” - bà Apiradee Yimlamai phân tích.

Riêng tại Việt Nam, theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: “Trong giai đoạn khó khăn này, Việt Nam vẫn có thể có nhiều chính sách thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đó là tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời có những chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị ủng hộ cho nông thôn, không gây thiệt hại cho nông thôn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem