Án oan chấn động một thời: 1.066 ngày đêm oan trái

Thứ tư, ngày 13/11/2013 07:13 AM (GMT+7)
Bị bắt oan từ năm 1998, đến nay ông Lương Ngọc Phi vẫn tiếp tục hành trình đòi các cơ quan tố tụng Thái Bình phải thực hiện trách nhiệm bồi thường oan sai.
Bình luận 0
Ngày 1.5.1998, ông Lương Ngọc Phi (SN 1948, trú tại phường Quang Trung, TP.Thái Bình) bị khởi tố, bắt giam về tội “Trốn thuế” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”. Ngày 29.9.1999, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt ông Phi tổng cộng 17 năm tù giam cho 2 tội danh kể trên.

Ngày 26.4.2000, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tuyên ông Phi không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và hủy bản án sơ thẩm đối với tội “Trốn thuế” để điều tra lại. Ngày 13.6.2006, TAND tỉnh Thái Bình thay mặt các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình công khai xin lỗi ông Lương Ngọc Phi.

Như vậy, ông Phi đã trải qua 1.066 ngày đêm chịu cảnh oan trái, vướng vòng lao lý. Ngày 29.8.2013, TAND TP.Thái Bình xử TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Phi số tiền hơn 21 tỷ đồng.

“Tại sao họ lại bắt mình?”


Bỗng nhiên bị bắt, bị giam, ông Phi luôn đau đáu: “Tại sao họ lại bắt mình?”. Và ông Phi đã tìm ra câu trả lời: "Giữa tôi với các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử không hề có tư thù, họ cũng không bắt tôi để vòi vĩnh. Vấn đề là nhận thức thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng không theo kịp đường lối của Nhà nước khi chuyển đổi mô hình kinh tế. Khi đã phạm sai lầm, họ cũng không chịu nhận trách nhiệm mà vẫn quyết chứng minh công dân có tội”.

Ông Lương Ngọc Phi - nhân vật chính trong vụ án oan lớn nhất của tỉnh Thái Bình
Ông Lương Ngọc Phi - nhân vật chính trong vụ án oan lớn nhất của tỉnh Thái Bình

Ông Phi phân tích thêm: “Vụ việc của tôi vay vốn ngân hàng vốn là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, nhưng tôi nói họ không nghe. Tôi có chiếm đoạt đồng nào, có bỏ trốn đâu nhưng họ bảo anh chưa trả được nợ thì bắt. Ngay từ nhận thức đã không đúng bản chất vụ án”. Ông Phi cũng khẳng định không phải các cán bộ non kém nghiệp vụ, họ đã nhận thấy dấu hiệu oan sai ngay từ khi đang điều tra nhưng đã bỏ qua.

Người đàn ông từng bị kết án 17 năm tù nhớ lại: “Không phải họ không biết oan đâu. Như trong vụ của tôi, ở thời điểm đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã thống kê tài sản của tôi cho thấy vẫn có khả năng trả nợ nhưng dấu hiệu oan sai này lại không được xử lý. Thay vào đó họ bán tống bán tháo tài sản của tôi với giá thấp. Thậm chí còn khởi tố thêm tội “Trốn thuế””.

Theo ông Lương Ngọc Phi, cùng thời điểm ông bị khởi tố, kết án 17 năm tù, ở Thái Bình cũng có 2 lãnh đạo doanh nghiệp khác phải chịu án oan. Đó là ông Trần Anh Đôn - Giám đốc Ngân hàng Công Thương Thái Bình bị xử 10 năm tù và bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Doanh nghiệp Thành Công chịu án 18 năm tù. Dù số năm tù phải nhận khác nhau, nhưng cả 3 người bị oan sai này đều được tuyên án bởi một vị thẩm phán. Vị này hiện vẫn đang công tác ở TAND Tối cao.

Án oan tuyên ngay, bồi thường trễ nải

Nói đến quá trình đòi bồi thường từ các cơ quan tố tụng, ông Phi nói: “Hành trình đi đòi công lý gian nan kinh khủng”. Sau khi được minh oan cả 2 tội danh, ngày 25.3.2004, ông Phi làm đơn yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình cải chính oan và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, thu nhập thực tế bị mất cùng thiệt hại về tài sản và khai thác tài sản.

Ông Phi được coi là nạn nhân của vụ án oan lớn nhất quê lúa, lớn cả về tính chất vụ việc ở thời điểm ông bị bắt đến cả sự phức tạp, gian truân suốt 10 năm đi đòi bồi thường oan sai. Số tiền TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi là hơn 21 tỷ đồng - cũng là số tiền lớn nhất mà cơ quan tố tụng buộc phải bồi thường cho người bị oan sai từ trước đến nay.

Hai năm sau, năm 2006, TAND tỉnh Thái Bình mới xin lỗi ông Phi. Thêm 3 năm nữa, năm 2009, TAND tỉnh Thái Bình mới thực hiện bản án bồi thường ông Phi hơn 600 triệu đồng thiệt hại về tinh thần và các khoản thu nhập thực tế bị mất sau 35 tháng bị giam.

Ông Phi tiếp tục khởi kiện 3 cơ quan tố tụng là công an, Viện KSND và TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường trên 54 tỷ đồng thiệt hại về tài sản, thiệt hại do không được khai thác từ tài sản. Từ đây, 3 cơ quan tố tụng đẩy trách nhiệm vòng quanh.

Cơ quan điều tra đẩy trách nhiệm sang tòa án vì tòa tuyên sau cùng. Tòa lại bảo dựa trên căn cứ điều tra của công an, cũng chính cơ quan điều tra phát mại tài sản nên công an phải đền. Vụ việc đòi bồi thường của ông Phi thậm chí đã được đặt lên bàn làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cuối cùng, cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Phi là TAND tỉnh Thái Bình.

Trải qua 6 lần thương lượng bất thành, ông Phi buộc phải khởi kiện ra TAND TP.Thái Bình. Nguyên đơn của vụ kiện đòi bồi thường oan sai lớn nhất tính đến hiện nay tâm sự: “Thật sự, khi khởi kiện, tôi cũng không nghĩ TAND TP.Thái Bình sẽ dám đưa ra xét xử và xử tôi thắng vì họ là tòa cấp dưới, bị đơn lại là tòa cấp trên”.

Theo ông Phi, nguyên nhân vụ án đòi bồi thường được đưa ra xét xử bởi sức ép, sự quan tâm đến vụ việc của Tỉnh ủy, của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình. Hơn nữa, hầu hết những cán bộ liên quan trực tiếp đến vụ việc của ông đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đi nơi khác.

Đến ngày 29.8 vừa qua, TAND TP.Thái Bình mới xét xử vụ việc và tuyên TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường ông Phi hơn 21 tỷ đồng. Án đã tuyên nhưng đến nay, TAND tỉnh Thái Bình không kháng án và cũng không có bất cứ phản hồi nào về việc sẽ trả tiền cho ông Phi.

Ông Phi kết luận: “Đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, của các nhà làm luật về cơ bản là giúp người dân giải quyết được quyền lợi oan sai là đúng đắn nhưng lại chưa theo kịp Bộ luật Dân sự. Còn nhiều điều chưa rõ liên quan đến việc bồi thường oan sai cho công dân. Đồng thời, những người oan sai nếu không kiên trì, không có kiến thức pháp luật sẽ không thể đòi lại được công lý”.

Vinh Hải (Vinh Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem