Trường hợp hiếm gặp
Ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949) nguyên là thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961) ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang về tội “Giết người”. Trong thành phần Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm còn 2 thẩm phán khác là ông Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức.
Sai phạm của ông Phạm Tuấn Chiêm bước đầu được xác định là sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan. Cũng trong chuỗi sai phạm về tài liệu, hồ sơ có ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá - nguyên Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bắc Giang) đã bị khởi tố về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo TS-luật sư Ngô Ngọc Thủy (nguyên Trưởng khoa Luật hình sự - Trường ĐH Luật Hà Nội), trường hợp một thẩm phán TAND Tối cao bị khởi tố về hành vi liên quan đến sai phạm của hoạt động tư pháp là trường hợp hiếm gặp từ trước tới nay. "Theo tinh thần của pháp luật thì đây là điều bình thường, bởi anh là ai chăng nữa thì cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Khi có sai phạm phải bị xem xét trách nhiệm, còn xử lý về mặt hành chính hay hình sự nó phụ thuộc vào mức độ vi phạm " - ông Thủy nêu quan điểm. Cũng theo ông Thủy thì việc làm trên cũng là nỗ lực thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo đánh giá của nhiều luật sư, trong HĐXX cấp phúc thẩm vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn còn có ông Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức. Theo quy định của pháp luật thì họ xét xử độc lập, chỉ theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Tuy nhiên vai trò chính vẫn là vị chủ tọa, còn 2 vị thẩm phán ngồi "cánh gà" chủ yếu vẫn là hình thức, ngoài chữ ký vào bản án thì vai trò xét xử của họ trong vụ án khá mờ nhạt.
Sẽ khởi tố thêm ai?
Trong phiên tòa phúc thẩm của ông Nguyễn Thanh Chấn có ông Nguyễn Khắc Du - đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa. Còn ở giai đoạn trước phiên tòa phúc thẩm, ngoài ông Đặng Thế Vinh -giám sát và giữ quyền công tố trong vụ án của ông Chấn còn có ông Nguyễn Tiến Lựu, là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang thời điểm ký vào cáo trạng truy tố ông Chấn tội “Giết người”. Tại phiên tòa sơ thẩm, có 2 thẩm phán là Nguyễn Minh Năng - giữ vai trò chủ tọa và Trần Văn Duyên.
Còn những người liên quan khác là ông Thái Xuân Dũng- nguyên là Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang, là người ký kết luận điều tra vụ án để chuyển Viện KSND tỉnh Bắc Giang đề nghị truy tố ông Chấn. Ông Lê Văn Dũng, ngày đó là Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn; ông Ngô Đình Dung là điều tra viên của vụ án Nguyễn Thanh Chấn; ông Đào Văn Biên, điều tra viên, nay là Phó Trưởng phòng PC45; ông Nguyễn Trung Thành, điều tra viên. Còn một điều tra viên tên Tân đã mất vì tai nạn giao thông.
Theo quan điểm của nhiều luật sư, vụ việc đã khởi tố cả nguyên thẩm phán TAND Tối cao thì những người liên quan chắc chắn bị xem xét. Còn vấn đề xử lý thế nào, ở mức độ nào còn tùy thuộc vào việc xác định vai trò, tính chất của Cục Điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao, cơ quan có chức trách điều tra những sai phạm liên quan đến hoạt động tư pháp.
Trao đổi với NTNN - Dân Việt, một lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự (Viện KSND Tối cao) cho biết, đến nay ngoài 3 người đã bị khởi tố để điều tra, Cục vẫn đang làm rõ những người có liên quan đến vi phạm hoạt động tư pháp dẫn đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, xem vai trò của họ tới đâu, mức độ sai phạm thế nào. Nếu có căn cứ xác định người nào trong vụ việc phạm tội thì sẽ khởi tố để điều tra. Còn những sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì cũng cần có mức xử lý tương thích, đủ nghiêm khắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.