Không thể kết luận 1 năm hay 5 năm không có án oan
Án oan dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý
Phạm Hiệp
Thứ sáu, ngày 02/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình mới đây đã có báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của hệ thống Tòa án gửi tới Quốc hội. Nhìn nhận cả thời gian vừa qua, chuyên gia pháp lý cho rằng, ngành Tòa án đã có nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn một số điều băn khoăn.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ vừa qua hệ thống Tòa án đã có nhiều thành tựu nổi bật, hoàn thành vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp mạnh mẽ…
Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Tòa án cũng còn một số hạn chế, thiếu sót.
Nguyên nhân là do số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm rất lớn, trong khi số lượng cán bộ, Thẩm phán chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Qua thẩm tra Báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao việc tỷ lệ giải quyết án đạt 99,5% chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tăng lên qua từng năm và khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết, xét xử những năm trước đây.
Đặc biệt, trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu của Quốc hội (không quá 1,5%) và giảm dần qua các năm…
Tuy nhiên, theo Ủy Ban Tư pháp, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án vẫn chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Đồng thời, cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị TAND Tối cao có các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trong nhiệm kỳ tới…
Chia sẻ với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhìn nhận, hàng năm ngành Tòa án thường tổng kết số liệu báo cáo từ tòa án các cấp, tuy nhiên số liệu đó chỉ là tương đối.
Theo luật sư này, thực tế hiện nay ở nhiều địa phương án hành chính rất nhiều bởi vậy việc giải quyết án hành chính ở thành phố lớn như Hà Nội dễ bị tồn đọng.
"Để đánh giá những con số mà tòa án các cấp báo cáo với TAND Tối cao có chính xác hay không thì cần phải có cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra thì mới có thể có kết luận chính xác" – Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, những con số báo cáo chỉ có tính chất tương đối.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, đánh giá về hoạt động của ngành Tòa án trong nhiệm kỳ vừa qua, luật sư Cường nhận định, có nhiều thành tựu mà ngành tòa án đã rất nỗ lực cố gắng để đạt được trong thời gian qua, những kết quả đó đáng được biểu dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có những thành tích.
Rất nhiều các cán bộ tòa án liêm chính, chí công vô tư, khắc phục những khó khăn về vật chất, kinh tế để giữ vững phẩm chất của người cán bộ trong lĩnh vực tư pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít cán bộ vi phạm bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là những câu chuyện hết sức đau lòng về công tác cán bộ.
Ông Cường cho rằng, đó là thực tiễn cần phải nhìn nhận, đánh giá xác định nguyên nhân để có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cần hiểu rõ khái niệm "oan"
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ, đối với án oan, để đánh giá hoạt động tư pháp tốt hơn hay không căn cứ vào tỉ lệ hủy, sửa và số án oan bị phát hiện là chưa thỏa đáng.
Theo luật sư này, nếu hàng năm ngành Tòa án đều xác định khoảng hơn 1% án bị hủy, sửa làm chỉ tiêu căn cứ đánh giá chất lượng hoạt động xét xử, thì khi xem xét giải quyết lại bản án quyết định theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ có những áp lực nhất định đối với chỉ tiêu % so với những năm trước.
"Bởi vậy, việc hủy án, sửa án do có lỗi của tòa án cấp dưới có thể sẽ bị tác động bởi chỉ tiêu hằng năm này. Cần phải hiểu khái niệm một người "bị oan" ở nghĩa rộng (bị khởi tố oan, truy tố oan, kết tội oan)" – luật sư Đặng Văn Cường nói.
Vị luật sư phân tích, cần xác định người bị oan là khi họ bị khởi tố, truy tố, bị kết tội sau đó quyết định khởi tố, truy tố, hoặc bản án bị hủy bỏ, trả lại tự do cho người đó.
Tất cả các quyết định tố tụng đó khiến vụ án dừng lại ở bất cứ giai đoạn nào thì các trường hợp đó đều được xác định là oan sai, không phải đến khi có bản án tuyên bố bị cáo không có tội mới là người bị oan.
Để xác định thế nào là "oan" không chỉ căn cứ vào bản án của tòa án kết luận bị cáo không có tội.
Thực tế có những vụ án được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra đình chỉ, đình chỉ vụ án ở giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn truy tố mà không kết thúc bằng một bạn án tuyên bố bị cáo không có tội.
"Như vậy đối với tất cả các quyết định tố tụng để đình chỉ vụ án thì đều được xác định là án oan chứ không chỉ căn cứ vào bản án kết luận là bị cáo không có tội.
Thực tiễn cho thấy từ những vụ án kêu oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén... và nhiều vụ án khác thì người kêu oan phải mất nhiều năm mới được minh oan. Như vậy không thể kết luận được trong 1 năm hoặc 5 năm là không có án oan" – vị chuyên gia pháp lý nêu quan điểm.
Luật sư Cường một lần nữa nhận định, những con số báo cáo chỉ là tương đối, bởi có những vụ án sau 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới được phát hiện, được minh oan.
Mặt khác, về việc bồi thường, khôi phục thiệt hại đối với những người bị kết án oan, vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là đảm bảo công bằng cho người bị kết án oan sai, bồi thường, khôi phục lại thiệt hại đối với những người bị kết án oan, tuy nhiên ở mặt trái của nó thì luật này cũng là rào cản, áp lực để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhận mình là sai.
Luật sư Cường phân tích, nếu cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng vì sợ trách nhiệm, sợ phải bồi thường mà không thừa nhận sai, không đình chỉ giải quyết vụ án, hoặc tuyên bản án xác định bị cáo không có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì câu chuyện bồi thường oan sai sẽ không được đặt ra, bị cáo không thể được minh oan.
"Bởi vậy, yêu cầu của cải cách tư pháp là phải đảm bảo tính độc lập về quyền tư pháp, độc lập của tòa án, độc lập của thẩm phán, độc lập của hội thẩm nhân dân, độc lập giữa các cấp tòa án.
Cần có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tư pháp, xây dựng cơ chế để nguyên tắc suy đoán vô tội trở thành văn hoá trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, trong lĩnh vực tư pháp hình sự thì khi đó mới giảm bớt được án oan sai" – Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.