Bồi thường án oan sai, không nên để tòa án xét xử…chính mình!

Phạm Văn Chung (Kon Tum) Thứ tư, ngày 20/05/2020 09:57 AM (GMT+7)
Nhiều trường hợp người bị oan sai phải khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường tại chính nơi đã kết án oan sai cho mình.
Bình luận 0

Theo quy định tại Điều 23 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về thẩm quyền và thủ tục giải quyết tại Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là TAND cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại. 

Do đó, nhiều trường hợp người bị oan sai phải khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường tại chính nơi đã kết án oan sai cho mình.

Có thể nói, việc các cơ quan, tổ chức thụ lý, giải quyết cả những hành vi vi phạm do chính đơn vị mình hoặc cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý gây ra là khá phổ biến. 

Tuy nhiên, việc cho phép các Tòa án thụ lý, giải quyết đối với chính những hành vi gây thiệt hại do mình gây ra, xét về gốc độ khoa học pháp lý là không hợp lý. 

Bởi vì, theo lẽ tự nhiên thì "không ai làm gì có hại cho chính mình", vì vậy để Tòa án xét xử chính mình rất khó có thể đảm bảo khách quan, công tâm.

Không nên để tòa án xét xử…chính mình! - Ảnh 1.

Một buổi công khai xin lỗi người bị oan sai theo Nghị Quyết 338/2003/NQ-UBTVQH11. Ảnh IT.

Thực tế, nhiều trường hợp chính Tòa án gây ra oan sai lại đứng ra giải quyết tranh chấp, đòi bồi thường cho người do chính họ. 

Điển hình như vụ ông Nguyễn Đình Sơn bị TAND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) tuyên phạt 6 tháng tù và bồi thường 88 triệu đồng. Sau đó, ông Sơn kháng cáo kêu oan, được tuyên trắng án và ông đòi TAND huyện Ea Kar bồi thường 836 triệu đồng nhưng tòa án chỉ chấp nhận bồi thường 44 triệu đồng. 

Không đồng ý ông Sơn làm đơn khởi kiện gửi chính Tòa án này đòi bồi thường thiệt hại. Như vậy TAND huyện Ea Kar lại phải xét xử... chính mình.

Hay trường hợp ông Huỳnh Văn Nén, TAND tỉnh Bình Thuận là cơ quan đã gây ra oan sai cho ông Nén cả hai vụ án giết người. 

Cơ quan này đã nhận sai, xin lỗi và thương lượng mức bồi thường, tuy nhiên trường hợp ông Nén không đồng ý mức bồi thường thì ông lại phải nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND cấp huyện thuộc TAND tỉnh Bình Thuận, nơi ông Nén cư trú giải quyết bồi thường.

Điều này là bất hợp lý, vì chính cơ quan này đã không chấp nhận mức bồi thường do ông Nén đưa ra. Vậy trường hợp thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện của ông Nén thì cơ quan cấp dưới của họ có dám chấp nhận yêu cầu của ông hay không? 

Hiếm khi cấp dưới dám "cãi" cấp trên, thậm chí TAND cấp huyện chấp nhận yêu cầu của ông Nén thì khi xét xử phúc thẩm chính TAND tỉnh Bình Thuận cũng có quyền hủy bỏ bản án này.

Có thể khẳng định rằng, việc quy định cho phép Tòa án - nơi đã gây ra oan sai cho người dân được tiếp tục giải quyết đơn khởi kiện chính mình trong bồi thường thiệt hại là chưa hợp lý, cần xem xét sửa đổi, bổ sung.

Thứ nhất, khi điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi sai trái, vi phạm hoặc thiệt hại do chính mình gây ra, các cơ quan có liên quan khó có thể công tâm, khách quan trong thực thi công vụ. Vì "không ai lại gây bất lợi cho mình".

Thứ hai, cho dù có vô tư, khách quan, đúng quy định pháp luật, hợp tình, hợp lý thế nào đi chăng nữa thì dư luận xã hội, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan cũng sẽ thắc mắc. Điều này dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Thứ ba, việc giao cho cơ quan đã gây ra oan sai xét xử, xem xét bồi thường đối với các vụ án do chính họ gây ra sẽ làm cho vụ án bị kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn sự. 

Lý do là không ai muốn xét xử và ra bản án bất lợi cơ quan, đơn vị, đồng nghiệp của mình, vì thế họ thường có tâm lý câu giờ bằng việc đưa ra thủ tục, xin ý kiến này nọ… 

Thậm chí, có thể lấy lý do để "ngâm" hoặc chờ… hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu để chuyển cho người khác giải quyết gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Vì vậy, theo tôi, cơ quan chức năng nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành theo hướng không tiếp tục để các cơ quan, đơn vị giải quyết những vấn đề, vụ việc do chính mình gây ra hoặc có liên quan, nhất là các vụ án oan sai do cơ quan tố tụng gây ra. 

Điều này vừa đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giải quyết các vụ án oan, sai do cơ quan nhà nước gây ra, vừa để việc bồi thường oan sai được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người bị oan, sai.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một người làm việc trong lĩnh vực tư pháp.

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tác phẩm có chất lượng của tháng để trao thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, 2 giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải (Tổng giải tác phẩm chất lượng mỗi tháng là 2 triệu đồng).

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem