An toàn bữa ăn bán trú: Tại sao phụ huynh phải giám sát?

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 14/12/2022 15:53 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh cho rằng, việc tổ chức an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh là trách nhiệm của nhà trường và các trường bắt buộc phải thực hiện tốt điều này chứ không phải nhờ vào sự giám sát của phụ huynh.
Bình luận 0

Tại sao phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú?

Câu chuyện an toàn bữa ăn bán trú cho học sinh tại các cơ sở giáo dục luôn là mối quan tâm lớn của phụ huynh. Khi đã "giao phó" con cho trường, phụ huynh mong rằng nhà trường sẽ có trách nhiệm, thực hiện tốt việc dạy học cũng như đảm bảo an toàn cho học sinh - nhất là an toàn về bữa ăn bán trú.

Học sinh tiểu học tại Nam Việt hào hứng trong bữa ăn bán trú. Thực hiện: Mỹ Quỳnh

Thế nhưng, không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện tốt điều này và không phải phụ huynh nào cũng hoàn toàn yên tâm. Thời gian vừa qua, sau khi câu chuyện một học sinh tại tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong, phụ huynh có con học bán trú, nội trú lại càng lo lắng hơn bao giờ hết. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều tỉnh, thành phố lập tức tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh tại nhiều địa phương cũng vào cuộc, kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra định kỳ công tác thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh.

Chị N.N (36 tuổi) có con học bán trú tại phường Hiệp Thành, quận 12 (TP.HCM) chia sẻ, khi các trường được phép tổ chức bán trú tức là các trường đã được kiểm tra, xét duyệt các hạng mục để thực hiện việc này. Do đó, trách nhiệm của các trường là phải đảm bảo an toàn cho học sinh.

An toàn bữa ăn bán trú: Tại sao phụ huynh lại phải giám sát? - Ảnh 2.

Phụ huynh kiểm tra bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1. Ảnh: M.Q

"Phụ huynh ai cũng lo lắng, quan tâm tới vấn đề an toàn bữa ăn bán trú của con em. Thực phẩm không an toàn khi đi vào cơ thể ngày một ngày hai sẽ tích tụ, có thể không ngộ độc ngay lập tức nhưng sẽ gây ra nhiều bệnh tật sau này. Việc phụ huynh giám sát, kiểm tra đột xuất có thể sẽ phát hiện những sơ sót bằng mắt thường chứ không thể phát hiện ra vi khuẩn, nấm mốc... Và việc này cũng chỉ là hình thức, là đối phó, không giải quyết được ngọn ngành của vấn đề. Chưa kể, đây cũng không phải là nhiệm vụ của phụ huynh. Cái chúng tôi cần là cái tâm, là trách nhiệm của nhà trường, đảm bảo thực phẩm sạch cung cấp cho học sinh. Có thể số lượng không nhiều nhưng chất lượng phải đảm bảo", chị N.N chia sẻ.

Tương tự, anh V.D (ngụ Gò Vấp) cho biết, nhiều phụ huynh muốn vào trường giám sát bữa ăn, nhưng đây không phải là cách tốt. "Nhiều phụ huynh học sinh quá lo lắng mà quên mất trách nhiệm chính thuộc về ai. Bếp ăn gây ra ngộ độc thì bếp ăn chịu trách nhiệm, bộ phận kiểm tra dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm chịu trách nhiệm, nhà trường chọn đơn vị hợp tác thì nhà trường chịu trách nhiệm... Tất cả phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình để thực hiện", anh D nói.

Làm không tốt phụ huynh mới phải giám sát

Theo ghi nhận của Dân Việt, ngay cả trước khi sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra ở Khánh Hòa, nhiều cơ sở giáo dục ở TP.HCM vẫn sẵn sàng cho phụ huynh vào giám sát, kiểm tra việc thực hiện bữa ăn bán trú.

Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp), cô Phan Thị Châu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thực hiện nấu bữa ăn sáng, trưa và ăn xế tại trường. Hội phụ huynh của trường thường xuyên vào để kiểm tra việc thực hiện bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, phụ huynh muốn vào kiểm tra thì phải đăng ký trước để nhà trường sắp xếp, bởi theo cô Châu, nếu nhiều người vào bếp sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn bữa ăn bán trú: Tại sao phụ huynh lại phải giám sát? - Ảnh 4.

Quản nhiệm tại trường Nam Việt kiểm tra, chụp hình để báo cáo cấp trên trước khi tổ chức bữa ăn tại trường. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt, phụ huynh có thể vào trường, ăn trưa cùng học sinh vào tất cả các ngày trong tuần nếu có nhu cầu. Vì trường tổ chức nội trú cho học sinh, nên dịp cuối tuần luôn có nhiều phụ huynh đến thăm con và ở lại ăn trưa tại trường.

Tuy nhiên, khi nói về vấn đề cho phụ huynh vào giám sát thực hiện bữa ăn bán trú, ông Nguyễn Đức Quốc - Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt cho rằng, ông không ủng hộ điều này. Bởi lẽ, nếu nhà trường không thực hiện tốt, không quản lý tốt, không đảm bảo an toàn, chất lượng bữa ăn cho học sinh... thì phụ huynh mới có nhu cầu vào kiểm tra, giám sát. Một khi nhà trường đã làm tốt, các hoạt động đều đảm bảo thì phụ huynh có thể vào bất cứ lúc nào, nhưng với tư cách thăm trường, thăm học sinh hoặc trải nghiệm bữa ăn cùng học sinh, chứ không phải là kiểm tra, giám sát.

Ông Quốc chia sẻ thêm, để thực hiện tốt bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh, các trường cứ làm đúng quy định từ Sở GDĐT, Phòng GDĐT và Ban an toàn thực phẩm... Trong đó, thực phẩm đầu vào phải lựa chọn các đơn vị có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ; Quy trình sơ chế, chế biến đúng cách; các khu vực sơ chế, chế biến và phân chia thức ăn đảm bảo khoảng cách đúng quy định; Cấp dưỡng có chuyên môn, có kinh nghiệm và thường xuyên được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

An toàn bữa ăn bán trú: Tại sao phụ huynh lại phải giám sát? - Ảnh 6.

Học sinh thích thú với bữa ăn bán trú. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Bên cạnh đó, ông Quốc nhận định, tiền ăn của học sinh là chỉ sử dụng mua thực phẩm phục vụ bữa ăn cho học sinh, không có chuyện cắt xẻn hay nhận hoa hồng. Nếu để xảy ra tư lợi riêng thì chắc chắn số lượng hoặc chất lượng bữa ăn học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, ngành giáo dục muốn làm tốt thì phải sống thật, làm thật, ăn thật.

Ghi nhận tại trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt trong bữa trưa ngày 14/12, học sinh các cấp học được bố trí ăn ở những khu vực riêng. Món ăn trưa nay gồm cơm, 2 món mặn (thịt kho, cá chiên), rau cải bắp xào, canh giá hẹ đậu hũ non và tráng miệng bằng bánh su kem. Học sinh rất vui vẻ, hào hứng với các món ăn.

Tại khu vực bếp, cơ sở 7 (quận Gò Vấp) của trường được bố trí lần lượt các khu vực: Nguyên liệu (gạo, gia vị, đồ khô...), khu vực sơ chế, khu vực nấu và khu vực phân chia thức ăn. Tại các sảnh kê bàn cho học sinh dùng bữa, nhà trường trang bị máy hấp giữ nhiệt để thức ăn đến tay học sinh còn nóng hổi.

Nghiêm cấm các trường nhận hoa hồng từ bữa ăn bán trú

Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM lưu ý, việc tổ chức bữa ăn bán trú xuất phát từ nhu cầu thực tế của phần lớn phụ huynh. Nhưng đây không phải là chức năng chính của trường học. Kinh phí thực hiện bữa ăn bán trú theo hình thức thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, đảm bảo nguyên tắc thu hộ chi hộ, tức thu bao nhiêu thì chi hết bấy nhiêu. Các trường phải đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh đúng với mức đã thu theo thỏa thuận.

Theo quy định, mức thu bán trú phải sử dụng phục vụ cho học sinh và nghiêm cấm các trường nhận "hoa hồng" từ việc tổ chức bữa ăn bán trú dưới mọi hình thức. Ngoài các cơ quan chức năng, Sở GDĐT sẽ thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục thực hiện sai quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem