TP.HCM: Kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 07/12/2022 14:49 PM (GMT+7)
Phòng GDĐT quận Gò Vấp vừa kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú của học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.
Bình luận 0

Trưa 7/12, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GDĐT quận Gò Vấp đã cùng tổ kiểm tra đến Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai để xem tình hình tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.

Báo cáo với lãnh đạo Phòng GDĐT, cô Đỗ Thị Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bữa ăn trưa của học sinh được nhà trường thu với giá 30.000 đồng, bao gồm ăn trưa, tráng miệng và ăn xế. Thực đơn được nhà trường lên trong cả tháng, đảm bảo không có ngày nào bị trùng món trong tháng.

TP.HCM: Kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú - Ảnh 1.

Bữa ăn bán trú tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp. Ảnh: MQ

Khẩu phần ăn được đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, định lượng theo yêu cầu.

Theo ghi nhận, trưa ngày 7/12, học sinh được ăn chả trứng hấp, canh khoai mỡ và tráng miệng bằng chuối. Cô Mai cho biết, trị giá bữa ăn này hơn 16.000 đồng. Số tiền 14.000 đồng còn lại sẽ được nhà trường chi cho bữa xế. 

Trong quá trình kiểm tra, tổ kiểm tra phát hiện một bảo mẫu sử dụng tay (có đeo bao ni lông) để chia đồ ăn cho học sinh mà không sử dụng muỗng, thìa. Lãnh đạo Phòng GDĐT quận đã yêu cầu lập biên bản, đồng thời yêu cầu nhà trường chấn chỉnh việc thực hiện đúng quy trình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau quá trình kiểm tra, ông Trịnh Vĩnh Thanh đề nghị, nhà trường cần tăng cường công tác quản lý, giám sát các nhân viên bảo mẫu phục vụ bán trú cho học sinh. Trong đó, phải để giáo viên tham gia giám sát, có quy chế và nội quy rõ ràng. Ngoài ra, nhà trường có thể lắp camera tại nhà bếp, để tránh trường hợp cấp dưỡng và nhân viên phục vụ làm ẩu. Chi phí lắp đặt camera có thể áp dụng hình thức xã hội hóa, hay từ kinh phí của trường.

TP.HCM: Kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú - Ảnh 3.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai trong bữa ăn bán trú. Ảnh: MQ

Ngoài ra, ông Thanh đề nghị trường cần khắc phục tình trạng thiếu cân đối trong các bữa ăn, ví dụ có ngày dư tiền, có ngày thiếu tiền. Ông Trịnh Vĩnh Thanh cũng cho rằng, nhà trường nên lập một hộp thư học sinh góp ý, chia sẻ quan điểm về chất lượng bữa ăn bán trú...

Tăng cường đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm

Trước đó, Sở GDĐT TP.HCM đã có thông báo khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về “tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục”.

Theo Sở GDĐT TP.HCM, thời gian vừa qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm được các cơ sở giáo dục quan tâm, thực hiện tốt các quy định, tạo môi trường an toàn cho người học.

TP.HCM: Kiểm tra đột xuất bữa ăn bán trú - Ảnh 4.

Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn... Ảnh: MQ

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn những quy định và đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Sở GDĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế sửa đổi… 

Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn và cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căn tin trong trường học phải bảo đảm an toàn theo quy định, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các đơn vị sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn, căn tin trường học. Đặc biệt, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt chuẩn.

Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm tại đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.

Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu nghiêm cấm, không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Ngành giáo dục TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục – y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem