Cái tên Lê An Tuyên chắc chắn còn xa lạ với nhiều công chúng yêu nhạc. Nhưng nếu kể ra những ca khúc của chị, như “Lời cỏ may”, “Thương ơi điệu ví”... thì chắc hẳn người yêu nhạc sẽ “à, biết...”.
Ngọt ngào khúc dân ca...Tôi hơi bất ngờ về Lê An Tuyên, khi vừa gửi đi tin nhắn qua trang Facebook cho chị, đã thấy chị gọi về từ nước Đức: “Chị Tuyên đây, chị Tuyên đây...”. Vồn vã, nồng nhiệt, giọng đậm đà “chất Nghệ” (Nghệ Tĩnh). Và nữa, sự khiêm tốn, khi chị cứ dặn đi dặn lại: “Đừng gọi chị là nhạc sĩ nhé, nói chị là người yêu nhạc là được rồi”.
Tác giả của những ca khúc trữ tình sâu lắng, mượt mà ấy đang mưu sinh bằng một “sạp hàng. Mà cũng ở đó, giữa những ồn ào bán mua, giữa những con số khô cứng, đã có nhiều lời ca, giai điệu bật lên trong tâm hồn bà chủ sạp, được ghi vội vào những tờ hóa đơn hay cuốn sổ xuất nhập hàng. Chị tâm sự: “Mình không có nhiều thời gian nhàn rỗi, không có lịch trình sáng tác cụ thể. Nhưng điều gì đó trong cuộc sống vừa xảy ra, mình chiêm nghiệm lấy, rồi trong đầu hình thành giai điệu, tiết tấu. Lúc rỗi, mới có thể ngồi vào đàn chỉnh sửa và hí hoáy viết thành nốt nhạc. Lúc nào có cơ hội thì nhờ bạn bè nghe thử, góp ý để sửa”.
Điểm chung nhất, nổi bật nhất ở các ca khúc của Lê An Tuyên là đậm đà chất dân ca Nghệ Tĩnh! Đó là sự “tất lẽ dĩ ngẫu”, là “tất yếu”, khi chị là người con xứ Nghệ đích thực, sinh ra và lớn lên bên “lấp lánh đôi bờ dòng sông Cửa Hội” (lời ca khúc “Lời cỏ may”. Chị bảo, các làn điệu dân ca trữ tình đã ngấm vào cơ thể từ lúc lọt lòng rồi.
Nhưng, cũng phải nói thêm rằng chất dân ca ví dặm trong sáng tác của Lê An Tuyên có ảnh hưởng không nhỏ từ người cậu ruột là nhạc sĩ Võ Văn Di (tác giả ca khúc nổi tiếng “Bài ca thống nhất”). Ông là người thầy đầu tiên dạy cho An Tuyên biết về nốt nhạc, về các khái niệm cơ bản của âm nhạc. “Cậu Di và các con của cậu đều là nghệ sĩ violin tài ba. Giai điệu, tiết tấu trong tác phẩm của tôi ít nhiều ảnh hưởng tính trữ tình, mượt mà của đàn violin” - nhạc sĩ An Tuyên tâm sự.
Nỗi lòng người xa xứ
Lê An Tuyên hiện sống ở Stadtroda, CHLB Đức. Những sáng tác được yêu thích của chị là: “Lời cỏ may, Mùa thu sang, Sóng không từ biển, Nơi ấy quê nhà, Cửa Lò tình yêu và nỗi nhớ, Sông và Anh, Thương ơi điệu ví, Bến xưa, Khúc tình Huế”.
|
Nghe nhiều các ca khúc của Lê An Tuyên mới thấu hiểu tâm trạng của chị - của những người xa xứ như chị - nhớ quê nhà, nhớ người thân, họ hàng đến nhường nào. Nỗi nhớ thương ấy, qua những giai điệu ngọt ngào, day dứt mang âm hưởng dân ca ví dặm, càng thêm sâu lắng.
Lê An Tuyên nói rằng giữa những giờ phút lăn lộn mưu sinh, nỗi nhớ quê hương luôn khắc khoải trong lòng chị: “Cảm xúc ấy rất thực. Cảm xúc ấy luôn trào dâng. Nó thôi thúc tôi viết cảm xúc ấy của mình, của mọi người ly hương thành lời ca nói hộ lòng minh...”.
Ai xa xứ mà không lắng lòng khi nghe những lời hát: “Mẹ sinh ra em để em ru lời dịu ngọt. Mẹ sinh ra em để em hát giọng đò đưa. Câu hát yêu thương đưa em về trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ sao mà da diết thế. Ơi câu ca ghét ngọt ghét thương. Ơi câu ca muối mặn gừng cay...” (lời ca khúc “Thương ơi điệu ví).
Cũng không ít người bật khóc khi nghe các ca sĩ xứ Nghệ như Thành Lê, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Phương Thanh... hát: “Cỏ may níu chân người xa xứ. Găm vào lời đau... Lạ tiếng lạ người trên đất lạ. Em trở về với ngọt giọng đò đưa...”. Những cảm xúc thực ấy được chị gói gọn với giải thích: “Xa đâm ra nhớ, tủi hóa ra thương”...
Lan My (Lan My)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.