Anh ký kết 'thỏa thuận lịch sử' với Phần Lan và Thụy Điển
Anh ký kết 'thỏa thuận lịch sử' với Phần Lan và Thụy Điển
Lê Phương (RT)
Thứ năm, ngày 12/05/2022 10:23 AM (GMT+7)
Hôm 11/5, Thủ tướng Boris Johnson tiết lộ Anh đã đồng ý "đảm bảo an ninh chung" với Thụy Điển và Phần Lan, chỉ vài ngày trước khi Stockholm và Helsinki công bố quyết định về việc gia nhập NATO.
Theo London, các hiệp ước mới liên quan đến việc "tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đẩy nhanh quá trình huấn luyện, tập trận và triển khai quân sự chung, đồng thời củng cố an ninh ở cả ba quốc gia và vùng Bắc Âu".
Anh cũng có ý định "hỗ trợ các lực lượng vũ trang của hai quốc gia trong trường hợp đối mặt với khủng hoảng hoặc bị tấn công". Động thái được đưa ra khi cả Phần Lan và Thụy Điển trước đó đều bày tỏ lo ngại về khả năng bị Nga trả đũa nếu họ xin gia nhập NATO.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Thụy Điển, ông Johnson tuyên bố rằng chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã chấm dứt hy vọng hòa bình ở châu Âu.
"Cuộc chiến ở Ukraine đang buộc tất cả chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn. Nhưng các quốc gia có chủ quyền cần phải được tự do đưa ra các lựa chọn mà không bị đe dọa trả đũa", Thủ tướng Anh nói và khẳng định rằng ông rất vui mừng trước thỏa thuận này.
Mới đây cũng có nhiều báo cáo cho rằng một số quốc gia khác sẽ sớm tham gia với Anh trong việc cung cấp hỗ trợ an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan. Theo tờ Verdens Gang của Na Uy, các quốc gia NATO ở Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch và Iceland đang làm việc với các nước láng giềng về một tuyên bố chính trị chung, từ đó cung cấp cho Stockholm và Helsinki những đảm bảo bổ sung trong thời gian tới.
Vào ngày 6/5, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đã trấn an Thụy Điển và Phần Lan rằng Mỹ sẽ "giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào của hai quốc gia về khoảng thời gian từ khi nộp đơn xin gia nhập NATO đến khi chính thức gia nhập liên minh".
Trong bối cảnh Moscow đang tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cả Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi mạnh mẽ trong quan điểm. Phần lớn người dân hiện ủng hộ việc gia nhập NATO, theo các cuộc thăm dò. Điều này đã khiến các nhà chức trách ở cả hai quốc gia phải xem xét lại chính sách trung lập lâu nay của họ.
Đảng cầm quyền của Thụy Điển dự kiến tiết lộ lập trường của mình về tư cách thành viên NATO vào ngày 15/5, ba ngày sau khi Phần Lan thực hiện động thái tương tự.
Vào đầu tháng 4/2022, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết liên minh "sẽ nhiệt liệt chào đón" Phần Lan và Thụy Điển nếu họ đăng ký gia nhập và sẵn sàng đưa ra quyết định về tư cách thành viên "nhanh nhất có thể".
Nga coi việc NATO mở rộng là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng 4/2022 cảnh báo rằng Nga sẽ "có các biện pháp đáp trả" nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.