Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập.
30 năm qua, các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân mà trực tiếp là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1- Lữ đoàn 171 nay là Vùng 2 Hải quân, là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước có mặt, làm nhiệm vụ vinh quang trên các nhà giàn thuộc thềm lục địa phía Nam muôn vàn khó khăn, gian khổ và khắc nghiệt.
Nhà giàn DK1 bắt đầu được hình thành từ 5 nhà giàn đầu tiên thuộc Tiểu đoàn DK1, hoàn thành xong vào ngày 5/7/1989 có tên gọi là Nhà giàn Tư Chính A, đánh dấu bước ngoặt trong công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
DK1 là tên gọi của Cụm Kỹ thuật - Khoa học - Dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân...
Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa.
Hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam từ năm 1989 - 1998 và do Hải quân Việt Nam quản lý, là "Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển" của Việt Nam.
DK1 là viết tắt của cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Những cụm nhà giàn (DK) được hiểu như công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.
Cụm nhà giàn DK1 đóng chốt trên các bãi cạn Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè. Khu vực biển DK1 có đáy là một bãi thoải từ bờ kéo dài ra đến độ sâu 200, sau đó độ sâu đáy biển biến đổi nhanh, có 9 vị trí bãi ngầm được đặt tên: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, bãi Vũng Mây, bãi Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh.
Hơn 30 năm đã qua, bảo vệ nhà giàn DK1 - bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển là sứ mệnh thiêng liêng của người chiến sĩ hải quân, là tình yêu, nghĩa cử, trách nhiệm đối với biển, đảo của Tổ quốc.
Những nhà giàn cắm chân giữa trùng khơi, canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Mỗi nhà giàn như vậy cao hơn 30m so với mực nước biển, độ sâu từ chân nhà giàn trên mặt biển tới đáy san hô chừng 20-25m. Hệ thống cọc móng của nhà giàn cắm sâu từ bề mặt đáy san hô xuống 30-40m nữa để giữ vững cho nhà giàn.
Nhà giàn DK1/10 (còn gọi là nhà giàn Cà Mau) trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Nhà giàn DK1/11 (còn gọi là nhà giàn Tư Chính C hay Tư Chính 3) trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Nhà giàn DK1/20 (còn gọi là nhà giàn Ba Kè C hay Ba Kè 3) trên vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Chuyến tàu mang số hiệu Trường Sa 08 do Vùng 2 Hải quân tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, chúc mừng năm mới 2019 cán bộ, nhân viên Nhà giàn DKI và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển.
Các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chuyển hàng, quà cho các nhà giàn.
Để tiếp cận vào thăm và động viên các chiến sĩ ở nhà giàn các đoàn công tác phải trải qua quá trình rất vất mới đến được cầu thang để lên được nhà giàn.
Tại nhiều nhà giàn đoàn công tác phải di chuyển bằng ròng rọc được cán bộ, chiến sỹ trên nhà giàn kéo bằng tay hỗ trợ lên nhà giàn.
Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 sắp bàn thờ dịpTết. Nhiều người đón Tết trên những nhà giàn thay vì bên cạnh người thân. Có những người cũng đã gắn cả thanh xuân trên những nhà giàn vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam được tổ chức gần nhà giàn DKI/8.
Vòng hoa và lễ được thả trên biển sau khi đoàn đã làm lễ tưởng niệm. Đây là nghi lễ quen thuộc trong các chuyến đi thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài biển, đảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.