Tuyên Quang: Vùng đất này dân đổi đời nhờ nuôi cá đặc sản trên hồ mênh mông, có nhà thu tiền tỷ

Thứ ba, ngày 13/04/2021 06:01 AM (GMT+7)
Tận dụng vùng lòng hồ sinh thái hơn 8.000 ha mặt nước, những năm qua nghề chăn nuôi cá lồng, trong đó có nuôi cá đặc sản đã được huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) quan tâm phát triển, nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Bình luận 0

Gia đình anh Nguyễn Quang Minh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) những ngày này đang tất bật bắt bán cá lồng, cá đặc sản cung cấp cho thị trường. 

Tuyên Quang: Vùng đất này dân đổi đời nhờ nuôi cá đặc sản trên hồ mênh mông, có nhà thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Khu nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản của gia đình anh Nguyễn Quang Minh, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình), tỉnh Tuyên Quang.

Hiện gia đình anh đang nuôi 150 lồng cá với đủ các loại như trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính, lăng chấm, lăng đen, chiên và cá trê. 

Anh Minh cho biết, các loại cá này rất dễ nuôi và lớn nhanh, giá cả hợp lý, thị trường ưa chuộng. Thức ăn của các loại cá này chủ yếu là cá tép nhỏ, lá chuối và các loại cỏ, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tổng hợp tinh bột. 

Để đảm bảo chất lượng và phục vụ thị trường thường xuyên, gia đình anh đã đầu tư nuôi gối đàn. Mỗi năm, gia đình anh bán ra thị trường trên 100 tấn cá thu lãi hơn 500 triệu đồng. Để đảm bảo chất lượng cá, anh đã mua cá giống từ các trung tâm cung cấp giống uy tín. 

Cá lồng, cá đặc sản nuôi trên hồ nguồn nước đảm bảo nên chất lượng thơm ngon hơn các loại cá nuôi ao, hồ, do đó thị trường tiêu thụ rất ổn định.

Từ mô hình chăn nuôi cá lồng trên sông có hiệu quả, hiện nay trên địa bàn huyện Lâm Bình ngày càng xuất hiện nhiều hộ nuôi cá lồng. Để việc chăn nuôi cá lồng đạt hiệu quả, các hộ đã liên kết với nhau trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá bỗng, cá rô phi đơn tính, cá trắm, cá nheo, cá lăng…

Đến nay, anh Tùng phát triển được 19 lồng cá đặc sản gồm 14 lồng cá lăng đen, 2 lồng cá lăng chấm, 2 lồng cá bỗng, 1 lồng cá chiên. Doanh thu từ bán cá của gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Năm 2017, anh đứng ra thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi cá lồng gồm 7 thành viên với 100 lồng cá, mỗi năm xuất bán được khoảng 70 tấn cá các loại ra thị trường.

Vừa qua, tổ hợp tác đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá lồng với Công ty TNHH MTV Sản xuất và thương mại Duy Phát (TP Tuyên Quang) từ đó thu nhập các thành viên trong tổ ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Cũng như các hộ dân ở Thượng Lâm, nhiều người dân ở xã Khuôn Hà, Phúc Yên cũng tận dụng mặt nước hồ để chăn nuôi cá lồng. 

Đồng chí Chẩu Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà cho biết, cả xã hiện có 30 hộ nuôi 50 lồng cá. Ngoài các loại cá thông thường, nhiều hộ dân nuôi thêm các loại cá đặc sản là cá bỗng, chiên, lăng đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường.

Đồng chí Trần Văn Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng là 1 trong 2 khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Tong đó, huyện Lâm Bình tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá bỗng… Hiện trên địa bàn huyện có gần 100 hộ với trên 290 lồng nuôi cá, trong đó có hơn 50 lồng nuôi các loại cá đặc sản. 

Tổng sản lượng khai thác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đạt trên 563 tấn/năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nuôi cá, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu quy hoạch, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, góp phần tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.

Cao Huy (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem