Áo dài Trạch Xá: E ấp dáng kiều thơm

Thứ bảy, ngày 28/01/2012 07:10 AM (GMT+7)
Đằng sau nhưng tấm cửa gỗ đã lên nước thời gian là những căn phòng đèn đuốc sáng trưng thâu đêm suốt sáng. Khắp nhà trên, nhà dưới, trong buồng xép, ngoài gian chính vô vàn những súc vải gấm, lụa, nhung, the thêu hoa...
Bình luận 0

Nơi những người đàn ông cầm kim may áo…

Cụ Lê Văn Sếu, một nghệ nhân 86 tuổi, đã có 70 năm gắn với Áo Dài cho biết, Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không chỉ chuyên may áo dài mà là làng nghề may trang phục truyền thống của người Việt xưa như áo bà ba, áo cặp, áo the, áo hầu, áo chầu. Áo tân thời, nay gọi là Áo Dài, là tinh túy của làng nghề, ra đời vào quãng cuối thế kỷ 19.

img
Cụ Lê Văn Sếu: nghệ nhân lớn tuổi nhất vẫn còn may áo

Áo Dài là sự cách tân của áo tứ thân ngày xưa, mượn chiếc cổ tàu của chiếc xường sám Thượng Hải, sau đó kết hợp với tà xẻ cao của chiếc áo bà ba miền Nam nên mới có hình dáng như ngày hôm nay. Trải qua nhiều lần cách tân, thay đổi, chiếc áo vẫn giữ được dáng vẻ tha thướt, hợp với vóc dáng phụ nữ Việt, trở thành một thứ trang phục lễ hội lộng lẫy, duyên dáng, độc đáo, không thể thiếu được của mỗi phụ nữ xứ mình.

Theo lời kể của các bô lão cao niên, vua Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã đi khắp đất nước tìm kiếm nhân tài đưa về xây dựng kinh đô Hoa Lư. Khi qua đất Sơn Tây, nhà vua gặp người con gái con quan trấn thủ xứ ấy, tên là Nguyễn Thị Sen, vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, lại thạo nghề may vá, nên đã đón về Hoa Lư, lập làm thứ phi, giao cho nàng trông coi việc dạy cung nữ chăn tằm, dệt vải, may áo quần triều phục cho hoàng cung.

img

Khi vua Đinh bị Đỗ Thích sát hại, nàng Sen phải dẫn con chạy khỏi cung điện. Chạy đến đất Trạch Xá, nàng được dân làng che chở, cưu mang. Cảm cái ơn cứu mạng của dân làng, nàng tình nguyện xin ở lại, đem nghề tằm tang dạy cho nhân dân, lại dạy cả nghề se tơ, dệt vải, may áo, quần vừa đẹp, vừa sang.

Đời sau, vua Lý Công Uẩn cưỡi thuyền rồng đi qua vùng đất ấy, thấy lụa tơ phơi rợp ven sông, đã ghé lại xem rất lấy làm thích thú. Sau này, vua cho người về đón những người thợ giỏi giang nhất vùng vào kinh đô chăm lo việc dệt vải, may áo triều phục cho hoàng tộc, cung tần mỹ nữ. Cảm cái ân đức của bà Sen, dân làng đã tôn bà là Thánh Sư, lập đền thờ, bốn mùa khói hương. Hàng năm, vào ngày Kỵ của bà, 12 tháng Chạp, dân làng đều tổ chức lễ hội tưng bừng, thi may áo khéo, thi dệt lụa…

Từ khi lập nghề, dân Trạch Xá có một điều nguyện: chỉ truyền nghề cho con trai. “Người thợ may với cái đẫy, chiếc kéo, chiếc vạch, cái thước là đi khắp tỉnh nọ, huyện kia, từ Đông sang Đoài, từ Nam chí Bắc cắt may thuê. Cha đi với con, thầy đi với trò. Trong cuộc hành hương kiếm ăn như vậy, phụ nữ không theo được vì đường xa dặm thẳm, thân gái dặm trường”, cụ bà Lê Thị Đào cho biết.

Những năm đầu thế kỷ 19, cùng với quá trình thuộc địa hóa, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế của xứ Bắc Kỳ. Người Trạch Xá cũng bỏ quê ra phố mở hiệu tìm cuộc doanh thương. Theo cụ Sếu, cụ đã đi làm thợ cho hàng chục “lò khâu” như vậy ở các phố Hàng Quạt, Cầu Gỗ, Hàng Cân, hay Khâm Thiên, mỗi “lò khâu” có tới 40-50 thợ, làm ngày làm đêm, còng lưng, mờ mắt. Những người thợ này đã thành lập nên các hiệp hội như Hội Ái Hữu để vừa bảo vệ nghề của làng, vừa bảo vệ chính mình khỏi sự bóc lột của các ông chủ.

Những hiệu may áo nổi tiếng khắp đất Hà thành hầu như đều là của người Trạch Xá và con cháu họ. Tên hiệu của cửa hàng thường vẫn đệm thêm chữ “Trạch”, rồi mới đến tên chủ hiệu, như Toàn Trạch, Đông Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch, An Trạch…

Nhà quê làm thời trang cho người Kẻ Chợ

img

Có một thời đất nước khó khăn, vải cấp theo tiêu chuẩn, nghề may áo tưởng chừng rơi vào quên lãng. Năm 1993, sau khi xuất ngũ, anh Nghiêm Xuân Đạt đã không về làng mà ngược ra Hà Nội xin làm thuê cho một hiệu may Áo Dài của người đồng hương Trạch Xá. Sau mấy năm lăn lộn với mưu sinh ở nơi phố phường đắt đỏ, giá thuê nhà, giá đất cứ đắt lên vùn vụt từng ngày.

Anh Đạt đã nghĩ đến việc đưa Áo Dài về quê, tận dụng nguồn lao động lành nghề trước đây để may áo gia công cho các hiệu lớn. Các chủ hiệu đã đồng ý để anh Đạt mang hàng về quê may, đến hẹn thì mang lên để họ trả cho khách. Lượng hàng ngày một tăng, anh phải gọi cả những bạn thợ khác cùng về làm mới kịp.

Thế là tạo nên một trào lưu bỏ phố về quê của những thợ lành nghề. Việc nhiều, anh Đạt lại nghĩ đến chuyện dạy nghề cho phụ nữ. Phụ nữ vốn đã rất khéo tay, họ hoàn toàn có thể trợ giúp những khâu đơn giản như may tà, đính cúc, dính cườm hay thêu họa tiết. Những người nhanh ý còn có thể may lụa, học cắt hay “vào” áo. Làng nghề đã thực sự hồi sinh và có bước phát triển nhảy vọt.

Từ việc may thuê, anh Đạt và các đồng nghiệp của mình còn nghĩ tự mình thiết kế ra những kiểu Áo Dài mới lạ đón trước xu hướng thời trang của năm, của mùa để chào hàng, tư vấn cho một số hiệu may thay đổi mẫu mã nhằm tăng sức cạnh tranh và sức hút của chiếc Áo Dài.

Chính nhờ có sự tiếp cận với xu hướng thời trang của Việt nam và thế giới nên chiếc Áo Dài Trạch Xá đã được khách du lịch rất chú ý. Nhiều đơn đặt hàng thông qua các chủ hiệu thời trang trên phố cổ Hà Nội đã khiến cho hoạt động doanh thương của làng nghề ngày một nhộn nhịp hơn. Nhiều chiếc Áo Dài nổi tiếng trị giá hàng chục triệu đồng đi đến khắp miền đất nước hoặc vượt đại dương qua Paris, London, New York… Công nghệ làm bằng tay của Trạch Xá cho đến nay vẫn là một phương pháp bí truyền mà không ở đâu bắt chước được.

Theo Phụ nữ Thủ đô


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem