Ở Hà Nội, dân ngoài đê trước đây cũng bị gọi là dân bãi ấp. Ấp là mới mẻ, là đang trên đường hình thành ổn định. Nên chỉ cách nhau một con đê, mà người ta thường đùa nhau rằng so văn hóa ngoài đê với văn hóa trong đê có họa bì phấn với vôi.
Một ông lão nhà quê ra chơi với con cháu ở Hà Nội về, phát hiện rằng Thủ đô bây giờ cũng nhiều ấp mới quá. Ông giải thích, đó là những khu chung cư cao cấp, đó chẳng phải ấp thì là gì. Cũng dân tứ chiếng hợp thành, nhưng không giống như cái ấp ngày xưa…
Thôn ấp ngày xưa chỉ dăm chục nóc nhà thôi, nhưng liên kết với nhau lâu rầy thành xóm thành làng. Nơi ấy đầu làng có người hắt hơi thì cuối làng cũng có người sổ mũi. Một nhà có khách thì trẻ nhỏ xung quanh cũng có cái kẹo. Cuộc sống thôn ấp tạo nên tình làng nghĩa xóm đùm bọc lấy nhau.
Nhưng ấp thời ấy dù là đang hình thành cũng không bao giờ có cái giá đắt đỏ lạ lùng như bây giờ. Ấp bây giờ, mỗi căn hộ dăm bảy tỷ đồng, là ước mơ của cánh dân nhà giàu tứ chiếng chứ không phải của dân nghèo tứ chiếng ngày xưa.
Ấp nơi đô thị nhưng giá trị thôn ấp thì không giống như xưa. Người tuy đông nhưng tình người trong ấp không gắn kết. Người trong ấp hầu như không quen biết nhau, ít có mối quan hệ vì làm về là sập cửa vào, mỗi nhà là một giang sơn riêng, ấm lạnh chỉ trong nhà biết.
Cùng là ấp cả nhưng chất lượng mỗi thời mỗi khác. Khi đồng tiền giữ vai trò chính trong cuộc sống thì tình người thu về dưới từng căn hộ. Nhà này có hắt hơi, hàng xóm kề bên cũng không cần biết. Người thì bảo bây giờ dân ấp mới có cái riêng tư, kẻ thì bảo sống thế có khác gì cô hồn. Chuyện này cãi vã sẽ chẳng bao giờ có đoạn kết. Người ta phải thuận theo những gì đang hiện hữu mà thôi.
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.