Áp giá sàn vé máy bay, doanh nghiệp lo lắng sẽ cản trở công nhân trở lại nhà máy

Thế Anh Thứ ba, ngày 14/09/2021 19:58 PM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp đang lo lắng, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phía Nam. Vì công nhân khó có thể mua được vé máy bay giá rẻ để đi lại.
Bình luận 0

Việc Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT dự thảo về đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2022, đang khiến cho các doanh nghiệp, công nhân làm việc xa quê bày tỏ sự lo lắng.

Được biết, việc áp giá sàn vé máy bay xuất phát từ đề xuất của hãng hàng không Vietnam Airlines áp giá sàn vé máy bay trong thời gian 36 tháng. Vietnam Airlines kiến nghị áp 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định.

Theo đề xuất của Vietnam Airlines, giá sàn vé máy bay cao nhất đối với đường bay nội địa là 1,6 triệu đồng/vé (một chiều). Tương tự, vé bay tuyến Hà Nội - TP.HCM là 1,4 triệu đồng vé (một chiều). Như vậy giá vé hàng không sẽ tăng rất cao, và không còn vé 0 đồng hoặc mấy chục ngàn đồng như các hãng Vietjet và Bamboo thường áp dụng.

Áp giá sàn vé máy bay, doanh nghiệp lo lắng sẽ cản trở công nhân trở lại nhà máy - Ảnh 1.

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VNA

Lo lắng về việc công nhân khó có thể mua được vé máy bay giá rẻ, một giám đốc doanh nghiệp phía Nam cho rằng: "Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ không còn vé bay giá rẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng công nhân của doanh nghiệp".

"Bởi số công nhân quê ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung chiếm số lượng rất lớn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các nhà máy ở các tỉnh phía Nam", vị này cho hay.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, trước khi các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều công nhân đã xin nghỉ để về quê tránh dịch. Hiện nay, nhiều lao động cũng lo lắng và cho biết, khi các tỉnh, thành hết giãn cách, họ cũng xin nghỉ về quê, đợi khi nào hết dịch hoặc ở tình thế "bình thường mới", họ mới cân nhắc trở lại làm việc.

Giá vé máy bay tăng là một trong những nguyên nhân khiến công nhân cân nhắc có tiếp tục làm việc xa nhà như thời gian qua hay không. Điều đó dẫn tới nguy cơ thiếu lao động, ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phía Nam.

Áp giá sàn vé máy bay, doanh nghiệp lo lắng sẽ cản trở công nhân trở lại nhà máy - Ảnh 2.

Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VNA

Thông tin với báo chí về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: "Tôi nghĩ rằng người lao động đều không mong muốn điều này. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, nghỉ, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động".

Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết, năm 2019, 65% thị phần vé bay hàng không Việt Nam là vé rẻ, tức là có 43 triệu lượt người được bay vé rẻ. Qua đó, việc áp dụng giá sàn sẽ khai tử thị trường vé rẻ. Thu nhập thấp (3,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 5,6 triệu đồng/người/tháng ở thành thị) của người Việt phù hợp với vé bay giá rẻ.       

Trước đó, Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 tuy cơ quan này không đưa ra số lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19 nhưng theo giới chuyên gia, trong tổng số 52 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên ở nước ta hiện nay, số người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập… cao hơn so với tháng 6/2020. Do giãn cách xã hội áp dụng trên diện rộng kép dài nên thu nhập của đại bộ phận dân cư giảm hẳn so với năm trước, họ lâm vào khó khăn cần giúp đỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem