Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Củng cố mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong xuất khẩu sầu riêng
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Củng cố mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong xuất khẩu sầu riêng
Văn Hoàng
Thứ tư, ngày 07/02/2024 11:02 AM (GMT+7)
Sau loạt phóng sự về hành trình xuất khẩu sầu riêng, Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Mở đầu cuộc trao đổi ông Nguyên cho rằng xuất khẩu sầu riêng nước ta chưa tận dụng được hết giá trị của quả sầu riêng mang lại. Cụ thể, mối liên kết giữa nhà vườn (nông dân) và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, Việt Nam chưa có giống sầu riêng ưu việt và cần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cần có tiêu chuẩn quốc gia về sầu riêng xuất khẩu
Năm 2023 ghi nhận kỷ lục trong xuất khẩu sầu riêng, tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, trong thời gian tới làm thế nào để quả sầu riêng xuất khẩu bền vững?
- Theo tôi, khó khăn lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa nhà vườn, nông dân, doanh nghiệp nhiều lúc rất lỏng lẻo, chưa được chặt chẽ. Như đầu vụ, cuối vụ người ta sẵn sàng phá, ép rẻ hợp đồng, được giá là bán, chính vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng khi hái trái non, trái chưa đạt tiêu chuẩn có thể làm mất uy tín với thị trường tiêu dùng.
Ví dụ, ở Thái Lan hàng sầu riêng cắt non chính quyền họ xử lý ngay, vừa phạt tiền, thậm chí phạt tù, họ có tiêu chuẩn sầu riêng quốc gia, sầu riêng xuất khẩu, họ có cơ sở, có luật để kiểm tra, vì có quy chuẩn, còn mình nói sầu riêng non nhưng không có quy chuẩn nên chưa xử lý được, gây khó khăn trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát nâng cao thương hiệu.
Thêm nữa, chúng ta thiếu đội ngũ công nhân đánh giá chất lượng, ví dụ như thợ gõ, đó là thách thức đối với việc thu mua và nhà vườn, họ thậm chí trả lương cao để cạnh tranh, hút công nhân đơn vị khác về làm cho mình.
Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Vì sầu riêng chưa có máy móc nào đánh giá chất lượng ngon hay không mà toàn kiểm tra thủ công, các hàng khác có máy kiểm tra, chỉ cây cho trái cây chạy ngang băng chuyền có mắt hồng ngoại, phát hiện quả bầm dập là hất trái đó ra ngoài.
Chính vì thế, để xuất khẩu sầu riêng bền vững, trước hết, cần thắt chặt các mối liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp. Tuyên truyền phổ biến luật pháp về hợp đồng cho người dân biết, cần kiểm tra chất lượng, như ở Thái Lan họ có Ban kiểm tra đúng tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu.
Về chiến lược lâu dài cần tăng cường chất lượng sầu riêng, khi có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không những xuất khẩu được sang Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác.
Có nghĩa là ngành hàng sầu riêng của nước ta còn nhiều dư địa để xuất khẩu, thưa ông?
- Việt Nam có thế mạnh so với các nước trong khu vực, bởi quả sầu riêng chúng ta có quanh năm, chỉ có tháng nhiều tháng ít. Còn Thái Lan, đối thủ cạnh tranh lớn nhất chỉ có vài tháng trong năm. Thêm nữa, mình trồng được rải từ miền Nam cho đến miền Trung, đầu năm thì sầu riêng ở miền Nam chín, giữa năm là Đông Nam Bộ, cuối năm là Tây Nguyên, nghịch vụ ở miền Tây.
Trong khi đó thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của nước ta là Trung Quốc. Ở các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam như Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam có các chợ đầu mối rau quả lớn nhất Trung Quốc nằm ở cách biên giới nước ta khoảng 100km, từ đây quả sầu riêng được vận chuyển đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc tiêu thụ. Như vậy mình có thế mạnh về vận chuyển gần, người ta nói, nhất cự ly nhì tốc độ, và chúng ta cũng gần các cảng biển lớn của Trung Quốc, nhất cận thị, nhị cận giang. Còn các nước trong khu vực khác như Myanmar họ xuất sang Trung Quốc rồi vòng vèo mấy ngàn km mới tới chợ đầu mối, Thái Lan nhiều khi phải mượn đường của Việt Nam để xuất sầu riêng.
Ngoài ra Việt Nam còn có lợi thế logictics và mùa vụ dài hơn so với các nước khác, nên mặt hàng sầu riêng của chúng ta "còn sống dai lắm". Chính vì thế, ngành hàng sầu riêng năm 2023 tăng 500% so với năm 2022, đứng sau là mít năm 2023 xuất khẩu tăng 40% so với năm 2022, các mặt hàng khác như chuối và xoài chỉ tăng vài phần trăm.
Chưa tận dụng được hết giá trị sầu riêng mang lại
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu sầu riêng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam những năm gần đây?
- Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,551 tỷ USD dù đang phải gồng mình chống Covid 19, năm đó kim ngạch sầu riêng đạt 177 triệu USD, khi ấy chủ yếu xuất khẩu đi các nước khác, không phải Trung Quốc.
Năm 2022, với chính sách zero Covid Trung Quốc đóng cửa, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,364 tỷ USD. Để đạt được con số xuất khẩu đó, nhờ vào tháng 7 năm 2022 Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, đến tháng 9/2022 xuất xe container sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc, kim ngạch sầu riêng đạt 420 triệu USD.
Ngày 8/1/2023 Trung Quốc tuyên bố mở cửa biên giới, hàng hóa thông thương, từ đó kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tang mạnh, năm 2023 đạt con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, riêng sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Vì sao sầu riêng lại đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta lớn như vậy?
- Năm 2023 lịch sử trong mấy chục năm Việt Nam xuất khẩu rau quả, sức bật rất nhanh, chỉ trong vòng một năm tăng 70%, đó là do những năm tháng bị Covid 19 xuất khẩu sang Trung Quốc đình trệ, buộc người dân và doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khác đòi hỏi yêu cầu cao hơn nên phải nâng cao chất lượng. Trung Quốc cũng vậy, khi mở cửa cũng đòi hỏi chất lượng quả sầu riêng tốt hơn, khi đó người dân Việt Nam đã biết tạo ra sản phẩm là chất lượng, mẫu má phù hợp để xuất khẩu.
Thêm nữa, việc Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do FTA giúp hàng hóa nước ta đi các nước được giảm thuế quan, tăng các mặt hàng xuất khẩu. Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam 2023 tăng mạnh, các nhà quản lý bất ngờ.
Tuy nhiên, sầu riêng của Việt Nam mới xuất khẩu được quả tươi chứ chưa xuất được đông lạnh, vì thế, chúng ta chưa tận dụng được hết giá trị sầu riêng mang lại. Nếu xuất được đông lạnh tăng giá trị xuất khẩu, đem lại giá trị cho người nông dân và doanh nghiệp hơn.
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Ông kỳ vọng như thế nào về tình hình xuất khẩu sầu riêng của nước ta trong thời gian tới?
- Nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc rất lớn, có thể nhu cầu gấp đôi hoặc gấp 3 lượng sầu riêng của cả vùng Đông Nam Á trồng được. Theo tôi được biết, ở Thái Lan các nhà quản lý họ nói ít nhất 10 năm nữa nhu cầu mới giảm, họ nói thế vì biết Trung Quốc trồng thử nghiệm sầu riêng ở Hải Nam.
Tôi lấy ví dụ năm 1998 Trung Quốc bắt đầu sang Việt Nam mua thanh long, rồi họ lấy giống về trồng, năm 2022 họ có 65.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn, lớn hơn Việt Nam cả về diện tích và sản lượng. Trước đây mình xuất khẩu thanh long đạt 1,1 tỷ đô. Khoảng 3 năm xuất khẩu chỉ đạt một nửa. Tính ra thanh long trồng một hai năm để thu hoạch nhưng họ mất 24 năm mới có số lượng đủ nhu cầu nội địa. Còn cây sầu riêng phải mất 5 - 6 năm mới cho trái, cây này cũng khó tính, lạnh không ra trái, chính vì vậy Trung Quốc nghiên cứu được cây sầu riêng chịu lạnh chắc chắn phải mất thời gian khoảng 20 năm. Tôi thấy nhu cầu sầu riêng vẫn còn hàng chục năm nữa.
Định hướng phát triển ngành rau quả của nước ta trong thời gian tới như thế nào? Ông có dự báo ra sao về kết quả xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng trong năm 2024 này?
- Thời gian tới, các nhà khoa học cần nghiên cứu ra loại giống sầu riêng tốt để cạnh tranh, nâng cao chất lượng, củng cố mối liên kết cho có ràng buộc, có chế tài xử lý khi phá hợp đồng. Làm sao ký được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ tận dụng được hết giá trị sầu riêng mang lại. Hiện nay Bộ NN&PTNT đang đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, như thế mình sẽ cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan. Thêm nữa, cần đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở chế biến, đóng gói.
Định hướng thời gian tới, làm gì thì làm khâu chất lượng phải quan trọng nhất, ngoài ngon, đẹp, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng quy định của các nước nhập khẩu, như thế mới tăng được kim ngạch. Về quản lý tăng cường mở thêm các mặt hàng chúng ta có thế mạnh như bưởi, dừa, bơ,…
Năm 2024 nếu sầu riêng xuất được đông lạnh, được cấp thêm mã số vùng trồng, từ đó mình có thể tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả lên 6,5 tỷ USD, riêng sầu riêng dự báo năm 2024 đạt 3,5 tỷ USD. Để làm tốt việc cấp mã số vùng trồng, chúng ta phải tập huấn cho người nông dân, vấn đề giúp người dân nắm bắt kỹ thuật, làm sao khi đối tác kiểm tra sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.