Áp thuế nhập khẩu thép inox: Phòng vệ thương mại hay thao túng độc quyền?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 03/09/2019 12:15 PM (GMT+7)
Từ năm 2014, Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá (CBPG) cho hoạt động nhập khẩu thép không gỉ. Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), điều này gây ra tình trạng giá nguyên liệu cao nhưng sản phẩm làm từ thép inox nhập khẩu lại thấp, không bảo hộ được nền sản xuất trong nước còn có dấu hiệu độc quyền.
Bình luận 0

Giá nguyên liệu đầu vào cao, sản phẩm trong nước khó cạnh tranh 

Sau 5 năm “bảo hộ” cho ngành hàng thép không gỉ sản xuất trong nước, nhiều DN sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu inox rơi vào tình trạng điêu đứng.

Theo phản ánh của một số DN, việc áp thuế nhập khẩu đổi với thép inox khiến tình trạng nguyên liệu bị áp giá cao còn hàng inox sản xuất trong nước lại chỉ phụ thuộc một vài doanh nghiệp. Trong đó cty Posco VST với 100% vốn Hàn Quốc chiếm thị phần áp đảo, hầu hết các đơn vị sản xuất đều phải mua nguyên liệu từ DN này mà không có nhiều lựa chọn khác.

Được biết, việc nguồn nguyên liệu thép inox trong nước khan hiếm, giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu sau áp thuế tăng giá từ 15-20% khiến các DN sản xuất hàng hóa lao đao. Cụ thể, hiện nay, mức thuế đối với các nhà sản xuất từ Trung Quốc là 25,35%; riêng nhà sản xuất Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. (STSS) được áp thuế suất 17,47%. Đối với các nhà sản xuất từ Indonesia mức thuế suất giữ nguyên 13,03%, Malaysia thuế suất ở mức 9,31%; Đài Loan là 13,79%; riêng Yuan Long Stainless Steel Corp chịu thuế 37,29%.

img

Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 tấn/năm bởi các nhà máy mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang....

Mới đây, CTCP Tập đoàn Sunhouse đã đề nghị Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại và Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng inox (đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gia dụng).

“Công ty chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia dụng (nồi, xoong chảo  bằng nhôm và inox). Sản lượng inox cuộn dùng để sản xuất các bộ nồi inox, tiêu thụ hàng năm hàng nghìn tấn và chúng tôi thường mua qua các công ty thương mại trong nước như Posco, Bông sen vàng, Hoàng Anh…

Từ khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, các mặt hàng inox cuộn mà chúng tôi mua để sản xuất các mặt hàng gia dụng inox bị tăng giá khoảng 15-25% dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng tương ứng” văn bản của CTCP Tập đoàn Sunhouse nêu rõ những khó khăn.

Ngoài ra, cũng theo tập đoàn Sunhouse, sắp tới, theo nội dung các hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc – đất nước có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng gia dụng và giá thành sản xuất rẻ thì chỉ có 0% (nếu có chứng nhận xuất xứ).

“Việc này đã dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi với các công ty thương mại nhập khẩu, vô hình chung giết chết các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động” – CTCP Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh.

Không chỉ riêng Sunhouse, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sử dụng nguyên liệu thép inox cũng “đứng ngồi không yên” khi tình trạng độc quyền do áp thuế nhập khẩu chưa được giải quyết. Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo DN cho biết, ngay sau khi áp thuế tự vệ, giá inox nguyên liệu đầu vào đã tăng 20%. 

“Khoản tăng này được cộng ngay vào giá thành sản phẩm khiến cho sản phẩm làm ra không để cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại từ Trung Quốc, Đài Loan hay Thái Lan khi các hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực thuế sản phẩm sẽ về 0%.” Vị này cho hay.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung Tâm trọng tài quốc tế Việt Nam thông tin thêm, việc áp dụng thuế chống bán phá giá là cần thiết, tuy nhiên, tác động phụ của nó lại trở thành vấn đề lớn, cần phải cân nhắc để tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất và cạnh tranh trong nước.

“Hiện nay, sự bất hợp lý ở chỗ, trong khi inox là nguyên liệu để sản xuất đang bị áp thuế nhập khẩu từ 6,64% - 37,29% thì sắp tới, hàng hóa bằng inox lại được hưởng thuế suất thấp. Cụ thể là thuế nhập khẩu đổi với một số hàng hóa bằng inox (mã hàng 73.24) như chậu rửa, bồn rửa, bồn tắm từ năm 2020 trở đi chỉ có 5% theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022.

Việc áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm inox đã kéo dài gần 5 năm nay, do đó cần phải được xem xét chấm dứt trong đợt rà soát định kỳ sắp tới của Bộ Công Thương”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh. 

Bộ Công thương khẳng định không có sự độc quyền, thao túng giá

Theo thông tin từ bộ Công Thương, vừa qua, trước làn sóng dư luận phản ánh về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá với nguyên nhân là do bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) từ năm 2014.

Phản hồi thông tin trên, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra), bộ Công Thương cho biết, việc tiếp nhận hồ sơ, quy trình thẩm định, điều tra nhằm áp dụng biện pháp CBPG tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA) và Luật Quản lý ngoại thương.

Cụ thể, ngày 06.05.2013, bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước đối với thép inox nhập khẩu từ Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Đài Loan).

img

Bộ Công thương đang xem xét việc có tiếp tục áp thuế CBPG cho ngành thép không gỉ nữa hay không?

Sau khi thẩm định hồ sơ, điều tra, bộ Công thương phát hiện hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép inox của 4 nước/vùng lãnh thổ nêu trên khiến ngành sản xuất trong nước đang bị thiệt hại đáng kể. Do đó, ngày 05.09.2014, bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ 4 nước/vùng lãnh thổ trên nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo thông tin của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép inox cán phẳng dạng cuộn/tấm. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành (kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ).

“Trong giai đoạn điều tra gần nhất (từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 tới ngày 30 tháng 6 năm 2018), nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước (trong đó nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế CBPG chiếm 68,5% tổng nhập khẩu), sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ trong nước. 

Cùng với việc sản lượng của doanh nghiệp lớn nhất chiếm dưới 50% sản lượng trong nước thì không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó “độc quyền” về nhóm sản phẩm này.” Văn bản của bộ Công thương khẳng định.

Tuy khẳng định không có sự độc quyền, thao túng giá trong ngành thép không gỉ, tuy nhiên, bộ Công Thương cho biết đang trong quá trình rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp CBPG. Trong đó, nội dung quan trọng là xác định còn tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài hay không để làm cơ sở xem xét quyết định về việc tiếp tục duy trì biện pháp CBPG.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem