Ba Bể (Bắc Kạn): Dân không mặn mà bảo vệ rừng

Thứ ba, ngày 14/08/2012 10:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một thực tế đã và đang diễn ra ở một số khu rừng đặc dụng ở Việt Nam nói chung và Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể nói riêng là người dân không mặn mà với việc bảo vệ rừng.
Bình luận 0

Từ năm 2011, khi Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) kết thúc, các hình thức chia sẻ lợi ích với cư dân vùng đệm rừng bị cắt giảm, người dân đã không còn mặn mà với việc chăm sóc và bảo vệ rừng. “Tiền hết, rừng lại thành vô chủ” là thực tế đang diễn ra tại VQG Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

img
Do người dân ở Ba Bể không mặn mà bảo vệ rừng, nên nạn tàn phá rừng nghiến diễn ra ngày một nghiêm trọng.

Gia đình chị Dương Thị Tiệm ở thôn Pác Nghè, xã Khang Ninh - xã vùng đệm của VQG Ba Bể, có 8 nhân khẩu nhưng không có ruộng đất, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Trước đây thỉnh thoảng được đi tuần rừng theo Dự án 661, thì cuối năm gia đình cũng được ít tiền để chi phí, còn bây giờ bị cắt luôn cả khoản này nên cuộc sống khó khăn.

Chị Tiệm cho biết: “Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, giờ cho dân đi tuần thì cũng phải trả công. Người ta đi phụ vữa một ngày cũng được 200.000-300.000 đồng, còn đi tuần rừng được 150.000 đồng. Bây giờ chẳng có gì để khuyến khích người dân đi tuần rừng nữa, người ta chặt phá nhiều lắm. Phải cho dân đi tuần thường xuyên mới được, nếu không lâm tặc lấy hết rừng mất”.

Theo báo cáo của VQG Ba Bể, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 31 cây nghiến bị chặt hạ với tổng khối lượng lên đến hàng trăm m3 gỗ. Đây đều là những cây gỗ quý hiếm, có tuổi đời hàng trăm năm tuổi trở lên. Ông Nông Thế Diễn- Giám đốc VQG Ba Bể cho biết: “Thách thức lớn hiện nay là Dự án 661 kết thúc nhưng Nhà nước chưa có kinh phí để giao cho người dân tham gia việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi tái sinh rừng tự nhiên. Vì thế, thời gian vừa qua việc này cũng gây nhiều khó khăn cho chúng tôi vì dân không còn tích cực tham gia bảo vệ rừng”.

Ông Diễn cũng cho rằng: “Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần sớm có chính sách cho công tác này. Mặc dù Chương trình bảo vệ phát triển rừng từ 2011-2020 đã được phê duyệt, nhưng việc triển khai còn rất chậm. Hiện người dân rất trông chờ vào việc nhận khoán”.

“Bây giờ chẳng có gì để khuyến khích người dân đi tuần rừng nữa, nên người ta chặt phá nhiều lắm”.

Cũng theo ông Diễn: “Chúng tôi đang lập dự án để thu phí dịch vụ môi trường rừng. Đây cũng là một hướng đi rất tốt trong thời gian tới để thấy trách nhiệm của những người sử dụng tài nguyên, và ngược lại những người bỏ công sức ra chăm sóc, bảo vệ rừng cũng được hưởng phí đấy là hợp lý và cần thiết”.

Từ khi Nghị định 99 về chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực thì VQG Ba Bể cũng đã nhận được thông tin chỉ đạo từ UBND tỉnh Bắc Kạn về triển khai thực hiện nghị định này. Đặc biệt, có dự án bảo tồn các hệ sinh thái rừng Việt Nam của Tổ chức GIZ mà; Bộ NNPTNT tổ chức triển khai điểm tại VQG Ba Bể thì vườn cùng với các chuyên gia dự án đã chuẩn bị bước đầu là điều tra, xác định các loại hình có thể tham gia vào chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường. Trong đó có điều tra về điều kiện để thực hiện các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường từ du lịch sinh thái.

Câu chuyện ở VQG Ba Bể không phải là cá biệt. Ở nhiều vùng đệm của các khu bảo tồn, cuộc sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số hết sức khó khăn. Nguồn thu từ bảo vệ rừng giúp cho đời sống của họ tốt hơn, dù ít nhưng ổn định và quan trọng hơn là gắn trách nhiệm của người dân với việc chăm sóc và bảo vệ rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem