Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Đức Mạnh Thứ năm, ngày 20/04/2023 11:43 AM (GMT+7)
Trong 12 bị cáo vụ Bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 cha con trong một gia đình là Nguyễn Đức Đảng cùng vợ và bố vợ mình. Họ bị cáo buộc cùng cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn đấu thầu sai quy định, gây thiệt hàng hàng chục tỷ đồng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Đức Đảng, cựu Chủ tịch Công ty Hoàng Nga hầu tòa với cáo buộc cùng cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn "gửi hàng" vào bệnh viện sử dụng. Sau đó, ông Tuấn chỉ định thầu hoặc đấu thầu sai quy định để thanh toán.

Hành vi của Đảng cùng Phạm Huy Lập, cựu Giám đốc Công ty Hoàng Nga (bố vợ Đảng); Phạm Thị Kim Oanh, cựu kế toán Công ty Hoàng Nga (vợ bị cáo Đảng) bị cho đã gây thiệt hại 47 tỷ đồng.

Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Đức Đảng hầu tòa cùng vợ và bố vợ mình. 

Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Đức Đảng từ 3 năm 6 tháng – 4 năm tù; ông Lập từ 24 – 30 tháng tù treo, còn Phạm Thị Kim Oanh từ 24 – 30 tháng tù. Trong khi bị cáo Tuấn bị đề nghị phạt từ 4 – 5 năm tù.

Tại tòa, cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn cho hay việc "gửi hàng" rồi chỉ định thầu là sai nhưng bắt buộc. Theo vị này, từ năm 2017, Hà Nội có kế hoạch đấu thầu tập trung thiết bị, vật tư y tế nhưng "cuối năm mới có kết quả".

Ba cha con cùng là bị cáo trong vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội - Ảnh 2.

Cựu Giám đốc Nguyễn Quang Tuấn, phía sau là bị cáo Đảng.

"Nếu không có vật tư, bệnh viện sẽ phải đóng cửa", ông Tuấn giải thích sai phạm của mình. Cựu Giám đốc cũng xin tòa có đánh giá nhân văn với bị cáo Nguyễn Đức Đảng vì Công ty Hoàng Nga từng cho Bệnh viện Tim Hà Nội vay nhiều vật tư, giúp cứu sống, chữa trị người bệnh.

Phần mình, bị cáo Đảng cho hay Hoàng Nga là công ty gia đình, họ không có chuyên môn về y học. Công ty chủ yếu do Oanh điều hành, quản lý và "dựng" chồng làm Chủ tịch, còn bố đẻ - một kỹ sư về hưu, đứng tên Giám đốc.

Bị cáo Đảng trình bày, bản thân đã nhận thức được sai phạm và xin nhận trách nhiệm vụ án, xin tòa "xem xét xử nhẹ tội cho vợ và bố vợ của mình". Theo ông ta, bố vợ bị cáo chỉ là người làm thuê và đã ngoài 70 tuổi với bệnh tật trong người. Phần vợ chồng mình, Đảng cho hay có 3 con nên mong tòa cho vợ sớm trở về chăm sóc.

Phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Đảng cho hay đã cùng gia đình đã cùng vay mượn nhiều nơi để có được hơn 32 tỷ đồng khắc phục được hậu quả vụ án. Ông ta mong được hưởng mức án thấp để có thể tiếp tục hoàn trả nốt số tiền thiệt hại.

Cũng như chồng, bị cáo Phạm Thị Kim Oanh xin nhận trách nhiệm và gửi lời xin lỗi tới gia đình cùng toàn thể nhân viên Công ty Hoàng Nga. "Bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng bị cáo. Mong một trong hai vợ chồng được hưởng án treo để có cơ hội phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi dạy các con nhỏ", Oanh trình bày với giọng nghẹn ngào.

Đến lượt mình, bị cáo Phạm Huy Lập mong tòa án cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho chính mình cùng con gái, con rể. Ông cũng cảm ơn tới các cơ quan tố tụng vì đã có những xem xét, đánh giá công tâm và nhân văn.

Cụ ông khai, bản thân "không biết tí gì về y học, y thuật hay thiết bị y tế cũng như công việc kinh doanh". Bị cáo Lập nói với vai trò Giám đốc chỉ: "Các con bảo ký tá gì thì tôi ký thôi".

Nói về 3 cha con ở Công ty Hoàng Nga, bị cáo Nghiêm Tuấn Linh, cựu Phó phòng Vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội  cho hay doanh nghiệp này đã đồng hành, sát cánh cùng bệnh viện trong việc chữa trị.

"Bất cứ khi nào, bác sĩ cũng có thể yêu cầu cung cấp thiết bị, vật tư để cấp cứu người bệnh", bị cáo Linh nói, thêm rằng có những lần vào đúng ngày Tết, máy móc, thiết bị của bệnh viện bị hỏng, nhân viên Hoàng Nga phải: "Tức tốc phi xe máy cả trăm cây số từ quê lên Hà Nội để sửa chữa".

Ngày mai (21/4), tòa sẽ tuyên án sơ thẩm với 12 bị cáo trong vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem