Đúng ngày lễ Kỷ niệm 25 năm thành tựu tiêm chủng mở rộng 19.12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận được thông tin 3 cháu bé ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) tử vong sau tiêm vaccin “5 trong 1”. GS-TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án tiêm chủng mở rộng cho biết, sẽ kiểm nghiệm chất lượng lô vaccin tiêm cho các cháu bé nói trên.
|
Tiêm chủng vaccin 5 trong 1. Ảnh minh họa. |
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết, trong đợt tiêm chủng mở rộng ngày 7.12, 3 cháu bé tại xã Châu Quang đã tử vong sau khi tiêm phòng vaccin 5 trong 1. Các cháu bé đều 3 tháng tuổi, sau tiêm có cùng biểu hiện sốt nhẹ, bú vào là nôn, da xanh tái và tử vong liên tiếp trong ngày 9, 10 và 15.12.
Cũng theo ông Hiển, hiện Hội đồng chuyên môn đang kiểm tra quy trình, đánh giá nguyên nhân tử vong và có kết luận trong thời gian sớm nhất. Lô vaccin tiêm chủng tại xã Châu Quang đã được niêm phong để kiểm tra. Nếu do vaccin thì sẽ cho dừng, còn nếu do trình độ chuyên môn thì cũng sẽ có xử lý thích đáng.
Đáng lưu ý, gia đình các cháu bé đều đã được cán bộ y tế tư vấn rằng các cháu sẽ sốt nhẹ sau tiêm, tuy nhiên không nói rõ triệu chứng sốt sẽ biến mất sau bao nhiêu ngày và bao nhiêu ngày mà vẫn sốt thì cần phải đưa trẻ đi cấp cứu. Chính vì vậy, khi các cháu bị sốt, nôn trớ tới 3- 8 ngày mà gia đình vẫn đinh ninh là “phản ứng sau tiêm” nên các bé không được điều trị, dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Nhật Cảm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội cho biết, vaccin “5 trong 1” (phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hip) đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2010. Theo ông Cảm: “Thông thường, trẻ em sau khi tiêm “5 trong 1” sẽ có các phản ứng như: Sưng, nóng, đau chỗ tiêm, sốt trên 38oC. Các triệu chứng này sẽ biến mất sau 1-2 ngày. Vì thế, nếu trẻ sốt trên 2 ngày, kèm theo các triệu chứng khác như quấy khóc nhiều, nôn trớ thì cần phải đưa đi khám để kịp thời điều trị”.
Theo số liệu của Chương trình tiêm chủng mở rộng, từ năm 2009, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó xác nhận chỉ 17 trường hợp được kết luận có thể có liên quan đến tiêm chủng, còn lại là không liên quan. “Phản ứng này đều nằm trong giới hạn cho phép của quốc tế. Liên quan đến tiêm chủng ở đây có thể có rất nhiều lý do, từ phản ứng cơ thể quá mẫn cảm, cơ thể kích ứng với kháng nguyên lạ, với vaccin chứ không phải do chất lượng vaccin…” - TS Hiển cho biết.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.