Ba cùng với nông dân

Thứ ba, ngày 07/09/2010 17:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với sự tận tâm và nhiệt huyết, kỹ sư trẻ Lê Văn Thông (SN 1979) - cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng đã giúp nhiều nông dân biết ứng dụng các thành tựu khoa học vào phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Bình luận 0
img
Anh Thông (phải) hướng dẫn cho người dân sử dụng dung dịch anolit khử trùng chuồng trại.

Giúp người chăn nuôi cứu heo “tai xanh”

Trong đợt dịch heo tai xanh vừa xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng, cái tên Lê Văn Thông trở thành niềm tin của người chăn nuôi ở các vùng quê thuộc hai xã Hòa Liên, Hòa Sơn (Hòa Vang). Đề án “Ứng dụng một số giải pháp an toàn dịch bệnh kết hợp với sử dụng dung dịch điện hoạt hoá anolit” của anh đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ vệ sinh tiêu độc, khử trùng, góp phần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và cứu sống nhiều đàn heo.

img Từ năm 2009 đến nay, Hội ND Đà Nẵng đã tổ chức gần 300 lớp chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật cho hơn 10.000 nông dân. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều cán bộ khoa học trẻ tham gia vào công tác nghiên cứu, thâm nhập thực tế nhằm tìm ra những mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn và tạo hiệu quả kinh tế cao cho bà con. img

Ông Nguyễn Quang Nga - Chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng.

KS Thông cho biết, trên địa bàn huyện Hòa Vang có những trang trại quy mô hộ gia đình làm ăn hiệu quả nhưng vẫn khó làm giàu, việc phòng ngừa dịch bệnh lại ít được đầu tư nên nguy cơ xuất hiện và bùng phát dịch trên diện rộng rất lớn.

Chính vì vậy, sau khi đề án được phê duyệt, anh bắt tay ngay vào bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và cách sử dụng hiệu quả dung dịch anolit cho một số người ở các xã nằm trong dự án. Đồng thời tổ chức tập huấn cho 1.000 hộ chăn nuôi về tính năng và tác dụng của dung dịch hoạt hoá điện hoá trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo KS Thông, do kinh phí không nhiều, đề án của anh chỉ xin được 5 máy chế tạo dung dịch anolit để đặt tại 5 xã của huyện Hòa Vang. Là địa bàn rộng, nên bà con ngại đi xa lấy dung dịch về khử trùng, vì thế mà đợt heo tai xanh vừa rồi mới gây nhiều thiệt hại.

“Ba cùng” để đưa khoa học về làng

Không chỉ “chung vai” với người chăn nuôi, KS Thông thường xuyên về các vùng trồng hoa, rau sạch để hướng dẫn bà con cách bảo vệ cây trồng. Ông Trần Lương ở thôn Túy Loan Tây 2 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết, trong 2 năm trở lại đây, anh Thông luôn tích cực hướng dẫn và khích lệ bà con nông dân sử dụng phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp và phế thải trồng nấm...

Từ hiệu quả đạt được ở các vùng rau, hoa ở các xã Hòa Ninh (Hòa Vang), Hòa Phát (Cẩm Lệ), anh Thông tiếp tục đem quy trình sản xuất phân hữu cơ chuyển về cho một số HTX trên địa bàn thành phố ứng dụng. Cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng nấm An Hải Đông (Ngũ Hành Sơn) là đơn vị đã ứng dụng thành công chương trình trên, đồng thời tự sản xuất và bày bán trên thị trường.

Chị Vũ Thị Mùi - Chủ nhiệm HTX Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) cho biết, quy trình sản xuất nấm, phân hữu cơ của anh Thông, hiện nay đã được bà con nông dân áp dụng đại trà. Đặc biệt, mỗi người dân đang trở thành một tuyên truyền viên, một “nhà khoa học” để chia sẻ kiến thức cho những người đi sau.

Trăn trở lớn nhất của anh Thông là làm sao giúp bà con thích nghi với một nền nông nghiệp hiện đại, hướng vào chiều sâu với những kỹ thuật tiên tiến. “Tâm lý bà con thường ngại sự thay đổi. Để một chương trình khoa học được bà con chấp nhận đưa vào ứng dụng, mình phải cùng làm, cùng xem xét và suy ngẫm” - anh Thông nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem